'Xách ba lô lên và học CS'
Lần đầu gặp Huyền Chip, tôi nghe em nói với mọi người “Xách ba lô lên và đi”. Lần thứ hai, em bảo rằng “Xách ba lô lên và học CS”.
Tôi có hai lần “gặp” Huyền chip và đều nhờ sự tò mò. Lần đầu cách đây đã lâu. Không còn nhớ năm nào, hồi Huyền chip mới ra cuốn “Xách ba lô lên và đi”. Gây ồn ào ghê lắm. Tôi tất nhiên cũng mua một cuốn đọc xem sao. Rồi một hôm tình cờ nghe nói sẽ có cuộc giao lưu với tác giả cuốn sách này ở một quán cà phê nào đó, trong ngõ hẻm nào đó.
Hình như hôm ấy là một buổi tối mát trời. Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình. Em Huyền chip bên ngoài có vẻ rụt rè chứ không dữ dội như trên trang sách. Bây giờ không thể nhớ là em ấy đã nói gì, đại khái kiểu như chia sẻ với mọi người rằng “cứ đi đi vì cuộc đời cho phép”.
Hôm ấy gió mát trăng thanh tôi ra về, ấn tượng đọng lại là một cô gái nhỏ nhắn, suy nghĩ hiện đại và tràn đầy năng lượng.
Rồi thời gian trôi nhanh. Ai cũng bận bao việc.
Cho đến tối qua, tôi nghe nói Cốc Cốc tổ chức một chương trình có nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm, dự báo về những xu hướng công nghệ nổi bật của thế giới trong 2-5 năm tới. Cũng nhờ tò mò nên tôi đăng ký đến nghe. Bất ngờ gặp lại Huyền chip trong vai trò là một diễn giả thuyết trình về “Đào tạo khoa học máy tính: Những bài học từ thung lũng Silicon”.
Qua chia sẻ của Huyền, tôi mới biết em đến Stanford ban đầu định học viết văn. Nhưng sau đó Huyền thấy ở đây mọi người đều học CS (khoa học máy tính) nên đổi ý, quyết định theo một lĩnh vực tưởng chừng như xa lạ với văn chương.
Lần đầu gặp Huyền, tôi không nhớ em đã nói gì. Nhưng lần này gặp lại thì tôi kịp note được vài điều.
Huyền chip kể, sống và làm việc ở Silicon Valley, hàng ngày chứng kiến sự phát triển của công nghệ, em cảm thấy lo lắng là khoảng cách giữa các quốc gia phát triển với những nước còn lại sẽ ngày càng xa. Càng ngày, lợi thế về lao động giá rẻ và tài nguyên sẽ không còn nữa.
Theo em, bây giờ là thời của big data (dữ liệu lớn), của AI (trí thông minh nhân tạo) và của Digital Platform (nền tảng số)…
Google, tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới dưới tên Alphabet , về bản chất là một công ty học máy (machine learning).
Mọi thứ thời đại không ít thì nhiều đều liên quan đến ngành khoa học máy tính. Tại Hoa Kỳ, tin học là một môn quan trọng hàng đầu dưới mái trường. Trong khi ở các bậc học cấp 2, cấp 3 và thậm chí đại học ở Việt Nam, tin học vẫn được coi là một “môn phụ”. Nhiều em học sinh cấp 3 và phụ huynh không quan tâm đến tin học, đơn giản vì nó sẽ không giúp các em thi đỗ đại học, nó không nằm trong chương trình tuyển sinh vào “cấp 4”.
“Tại Đại học Stanford có đến trên 90% sinh viên theo học một môn CS nào đó. Còn ở Việt Nam, khảo sát nhanh của Cốc Cốc cho thấy có 34,27% sinh viên cho rằng CS không quan trọng gì mấy”, Huyền chip cho hay.
Nếu như mấy năm trước, Huyền nói với mọi người “Xách ba lô lên và đi”. Thì giờ đây, em chia sẻ điều gì đó đại ý là “Xách ba lô lên và học CS”.
“Tại Silicon Valley rất nhiều loại xe tự lái đang được thử nghiệm. Bạn có thể thấy chúng trên đường hàng ngày. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi công việc của các lái xe truyền thống sẽ bị thay thế bởi xe không người lái, nghĩa là không chỉ taxi mà cả uber, grab cần đến người lái rồi sẽ dẹp tiệm. Tương tự, nghề phiên dịch sẽ khó tồn tại khi mà các máy dịch tự động càng ngày càng thông minh hơn. Nếu không nắm bắt được xu hướng, rất có thể chúng ta sẽ tụt hậu sâu về phía sau hoặc đưa ra những sự lựa chọn sai lầm về nghề nghiệp”, Huyền chip nói.
Võ Văn Thành