Việt Nam sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao 350km/h
Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dự kiến được phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025, và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.
Ngày 25/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Chính phủ kề từ khi chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc – Nam được thông qua tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, diễn ra từ ngày 18 đến 20/9.
Theo thông tin từ cuộc làm việc nêu trên, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.
Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội, cụ thể là tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội).
Điểm cuối tại TPHCM, cụ thể là ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh.
Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, công năng của tuyến đường sắt trên trục Bắc - Nam, báo cáo nghiên cứu tiền khả khi đề xuất: Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Chiều dài dự án khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đường sắt Bắc - Nam hiện hữu dùng vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các ý kiến đóng góp tâm huyết của bộ, ngành, chuyên gia và nhân dân; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội, tập trung vào những vấn đề có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Cụ thể là, ngoài phạm vi đầu tư từ điểm đầu dự án là TP Hà Nội đến điểm cuối tại TPHCM, cũng cần xem xét, nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau.
Bên cạnh đó, báo cáo tiền khả thi cần thể hiện được quan điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h "thẳng nhất có thể", "gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu".
Top quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất và hiện đại nhất:
1. Trung Quốc:
o Hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới: Hơn 42,000 km (năm 2023).
o Trung Quốc có hệ thống đường sắt cao tốc trải dài trên toàn quốc, với các tàu đạt tốc độ tối đa từ 300-350 km/h.
o Tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải là một trong những tuyến nổi bật nhất với tổng chiều dài khoảng 1,318 km.
o Dự kiến, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống để đạt mốc 45,000 km vào năm 2025, bao phủ hơn 95% các thành phố lớn trong cả nước.
2. Nhật Bản:
o Là quốc gia đầu tiên phát triển hệ thống đường sắt cao tốc với tàu Shinkansen từ năm 1964.
o Chiều dài hệ thống khoảng 3,041 km.
o Tốc độ trung bình của tàu Shinkansen là 240-320 km/h, tùy theo loại tàu và tuyến đường.
o Tàu Shinkansen nổi tiếng với sự an toàn, vận hành liên tục mà không có tai nạn nghiêm trọng trong hơn 50 năm hoạt động.
3. Tây Ban Nha:
o Hệ thống đường sắt cao tốc dài thứ hai ở châu Âu với tổng chiều dài 3,402 km (năm 2023).
o Hệ thống đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha kết nối hầu hết các thành phố lớn, với tốc độ tối đa khoảng 300 km/h.
4. Pháp:
o Hệ thống TGV (Train à Grande Vitesse) của Pháp là một trong những hệ thống đường sắt cao tốc nổi tiếng nhất châu Âu.
o Tốc độ trung bình của tàu TGV lên tới 320 km/h, và tuyến đường sắt dài khoảng 2,800 km.
o Pháp đã xây dựng hệ thống này từ năm 1981, và nó đã trở thành biểu tượng của đường sắt cao tốc châu Âu.
5. Hàn Quốc:
o Hệ thống KTX (Korea Train eXpress) có chiều dài khoảng 1,000 km.
o Tàu KTX có thể đạt tốc độ tối đa 305 km/h, kết nối thủ đô Seoul với các thành phố lớn khác như Busan.
6. Italy:
o Hệ thống đường sắt cao tốc Frecciarossa với tốc độ đạt tới 300 km/h và chiều dài khoảng 1,467 km.
o Các tuyến đường cao tốc chính của Italy kết nối các thành phố như Rome, Milan, và Florence.
7. Đức:
o Hệ thống ICE (Intercity-Express) với tốc độ trung bình từ 250-300 km/h.
o Chiều dài hệ thống đường sắt cao tốc của Đức là khoảng 1,571 km.
Tại Hoa Kỳ, hệ thống đường sắt tốc độ cao chưa phát triển mạnh như ở châu Á và châu Âu; phần lớn các chuyến tàu tại Mỹ vẫn sử dụng đường sắt truyền thống với tốc độ không quá cao.
Một trong những lý do cho thực tế trên là văn hóa di chuyển bằng ô tô và máy bay của người Mỹ. Họ chủ yếu sử dụng ô tô và máy bay cho các chuyến đi đường dài, khiến nhu cầu sử dụng tàu cao tốc không lớn. Ngoài ra, chi phí phát triển và xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao ở Mỹ rất lớn, do đất đai đắt đỏ và các vấn đề pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, Mỹ có một số dự án đang được triển khai và một số tuyến đường hiện tại có khả năng chạy với tốc độ cao hơn tàu truyền thống.
Dự án nổi bật nhất là California High-Speed Rail đang được xây dựng và dự kiến sẽ là hệ thống đường sắt cao tốc đúng nghĩa đầu tiên của nước này. Hiện tại, Amtrak Acela Express là tuyến tàu nhanh nhất, hoạt động ở vùng Đông Bắc nước Mỹ.
Thành Võ
Nhật ký trực tin ngày 25/9/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị IMF hỗ trợ Việt Nam tái cơ cấu kinh tế
Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất
Ông Biden, phát biểu tại Liên Hợp Quốc lần cuối cùng với tư cách là tổng thống Mỹ, đã bày tỏ sự lạc quan rằng các nhà lãnh đạo thế giới có thể giải quyết vấn đề chiến tranh, bệnh tật và AI. Ông cho biết " Mọi thứ có thể trở nên tốt hơn ".
Ông cũng đã đề cao quan hệ Việt - Mỹ trong phát biểu này.
Một bồi thẩm đoàn liên bang đã buộc tội tay súng ẩn núp gần sân golf của cựu Tổng thống Donald Trump về tội cố ý ám sát một ứng cử viên tổng thống . Người này sẽ phải đối mặt với án tù chung thân.
Doanh số bán điện thoại thông minh thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc giảm 12,7% trong tháng 8.
Con số trong ngày : 40% là chi tiêu của chính phủ tính theo GDP ở các nước giàu, tăng từ mức 30% vào năm 1960. Đọc toàn bộ câu chuyện.