Việt Nam sẽ có bao nhiêu thành phố trực thuộc Trung ương?
Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, cùng với Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
Hội nghị Trung ương vừa qua đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Dự kiến tại kỳ họp cuối năm 2024, khi được Quốc hội thông qua, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay sẽ chính thức trở thành thành phố Huế. Đến lúc đó, đây là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, cùng với Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
Sau khi thành lập, thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa (chia tách từ thành phố Huế hiện nay); 3 thị xã Phong Điền, Hương Thủy và Hương Trà; 4 huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Đến đây lan man một chút về dư địa chí. Thuận Hóa và Phú Xuân là hai địa danh lịch sử. Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn giữ xứ Thuận Hóa, khởi đầu cơ nghiệp của các chúa Nguyễn. Từ đây, quá trình phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân gắn liền với sự nghiệp của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, và sau đó là kinh đô nước Việt Nam trong gần 1,5 thế kỷ dưới triều nhà Nguyễn.
Thời Vua Minh Mạng, lần đầu tiên chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 30 tỉnh và 1 phủ, Thừa Thiên Huế ngày nay là phủ Thừa Thiên (Mệnh trời).
Trải qua thăng trầm lịch sử, tên gọi và địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau, ổn định với tên gọi Thừa Thiên Huế và địa giới từ năm 1989 đến nay, trong đó thành tố "Thừa Thiên" thời Nguyễn và "Huế" trong quá trình đô thị hóa cuối thế kỷ XIX.
Theo niên giám thống kê năm 2023, dân số tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 1,1 triệu người, trong đó trên 616.000 người sống ở thành thị, còn lại sống ở vùng nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của tỉnh Thừa Thiên Huế là hơn 4,7 triệu đồng.
Đối chiếu với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương thì Thừa Thiên Huế đáp ứng, trong đó có những tiêu chuẩn là vừa vặn như về dân số, về đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Cụ thể, tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đã sửa đổi tại nghị quyết 27 năm 2022), yêu cầu quy mô dân số từ 1 triệu người trở lên; diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên; có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc trở lên…
Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, như: Cân đối thu chi ngân sách (Đủ); thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước (1,75 lần); Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (Đạt bình quân của cả nước)…
Trở lại với câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết, ngoài Thừa Thiên Huế, trong tương lai còn tỉnh nào sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương?
Câu trả lời là tùy vào quyết định của các cấp có thẩm quyền. Nếu xét về quy hoạch thì còn 7 tỉnh khác nằm trong danh sách. Xin lưu ý đây mới chỉ là “quy hoạch”, từ quy hoạch đến chính thức còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm ý kiến người dân địa phương và quá trình phê duyệt chủ trương.
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương và Bình Dương.
Trong 8 tỉnh này, như đã nêu, đến nay mới chỉ Thừa Thiên Huế được phê duyệt chủ trương.
Nhìn ra thế giới thì cách phân loại, cách gọi, số lượng các đơn vị hành chính ở các nước là rất khác nhau, phản ánh đặc thù lịch sử, văn hóa, chính trị của mỗi nước. Với nước ta, Hiến pháp quy định: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
Như vậy, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Gọi chung là 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 5 (sắp tới là 6) thành phố trực thuộc Trung ương, với HN và TPHCM là 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt.
Quá trình hình thành (thêm) các thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh xu hướng phát triển đô thị và kinh tế - xã hội. Nhiều tỉnh có thể tiếp cận hoặc vượt tiêu chuẩn đề ra, để được định hướng là thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhưng tiêu chuẩn là yêu cầu chung, thứ quan trọng hơn là quy hoạch đồng bộ để phát huy các lợi thế đặc thù. Đơn cử như cùng là thành phố trực thuộc Trung ương và là hai đơn vị hành chính ở cạnh nhau, nhưng Huế và Đà Nẵng chắc chắn có những đặc thù cần phát huy theo những chiến lược riêng, bên cạnh các vấn đề kinh tế - xã hội chung mà bất cứ địa phương nào cũng đặt ra như nhau.
Cuối cùng, xin chúc mừng Thừa Thiên Huế và hẹn ngày gặp lại, khi đó có thể đã là thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Thành Võ
Nội dung liên quan: Thêm 8 thành phố trực thuộc Trung ương: Thêm động lực phát triển?
Nhật ký trực tin ngày 23/9/2024
Biển Đông có thể xuất hiện 5 cơn bão trong ba tháng cuối năm 2024
Ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục, bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, khi có hành vi nhận hàng chục tỷ đồng từ 2 chủ doanh nghiệp để thông đồng trong đấu thầu giấy in sách.
'Tham gia cùng tôi trên sân khấu': bà Kamala Harris mời ông Donald Trump tranh luận với bà thêm một lần nữa.
Israel đã tiến hành đợt không kích rộng khắp nhất nhằm vào Hezbollah và cảnh báo người dân Lebanon sơ tán khỏi những khu vực mà nhóm vũ trang này đang cất giữ vũ khí.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon, công dân dự định đến Lebanon cần dừng/hủy chuyến đi đến khi tình hình ổn định trở lại.
Trung Quốc sẽ họp báo để công bố kế hoạch cắt giảm một trong những lãi suất chính sách ngắn hạn.
Con số trong ngày: 1,8 tỷ USD là tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án sản xuất màn hình và các linh kiện điện tử tại nhà máy Samsung Display Việt Nam (SDV) tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.
Xem thêm tại đây.