Tôi vừa có cuộc phỏng vấn Giáo sư Trần Văn Thọ, nhà kinh tế từng tham gia tư vấn cho nhiều đời Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản, từng được Nhật Hoàng tặng Huân chương Thụy Bảo Vàng.
Đây là Huân chương mà Nhật Hoàng dành tặng cho những cá nhân người nước ngoài (thường là học giả, nhà giáo dục, người nước ngoài làm việc lâu năm tại Nhật…) có công đóng góp vào sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Nhật Bản và đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa Nhật Bản với quốc gia của người được trao huân chương.
Cuộc phỏng vấn gợi cho cho tôi những nghĩ suy miên man về sự lãnh đạo. Trên khắp thế giới chứ không riêng nước nào, các nhà lãnh đạo nắm giữ và quyết định vận mệnh cũng như tương lại đất nước. Những quyết định của họ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của mỗi người theo những cách khác nhau, mà do tính chất của việc lãnh đạo và đặc thù mỗi nước, người dân có thể biết hoặc không biết đầy đủ các thông tin liên quan. Nghĩa là nhiều khi ta không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh.
Thông qua các quyết sách, lãnh đạo định hình hướng đi và tương lai của một quốc gia. Sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường đều phụ thuộc vào tầm nhìn và khả năng lãnh đạo của họ. Một quyết định đúng đắn có thể mang lại thịnh vượng và hạnh phúc cho hàng triệu người, ngược lại, một quyết định sai lầm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và khó lường.
Bởi vậy, khi nói về các các nhà lãnh đạo, có một câu quen thuộc là hãy để cho nhân dân và lịch sử đánh giá sẽ là đúng nhất, vì khi ấy có đủ các góc nhìn của hàng triệu con người và sự soi rọi đúc kết bởi thời gian. Lịch sử bao giờ cũng là người phán xử khách quan, vô tư và công tâm nhất.
Nhật Bản đã tăng trưởng trung bình mỗi năm 10% trong giai đoạn gần 20 năm, chuyển từ một nước thu nhập trung bình lên vị trí cường quốc công nghiệp, thu nhập cao, thực hiện giấc mơ “theo kịp các nước phương Tây” mà họ đề ra từ thời Duy Tân Minh Trị.
Sự thành công của Nhật có nhiều nguyên nhân và nhiều góc nhìn khác nhau. Là một trí thức đã có hơn nửa thế kỷ học tập, sinh sống và làm việc tại Nhật, Giáo sư Trần Văn Thọ đã thử tìm một nguyên nhân tổng hợp nhất để có thể tham khảo được cho các nước đi sau Nhật. Ông đã tìm ra một từ khóa để chỉ nguyên nhân tổng hợp đó, nằm trong mấy chữ “năng lực xã hội”. Hay nói cách khác là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động của Nhật Bản.
Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất nào để thúc đẩy kinh tế phát triển. Dĩ nhiên tố chất quan trọng của chính trị gia là năng lực lãnh đạo; của quan chức là năng lực quản lý hành chính; của giới kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp…
Nhưng trong trường hợp Nhật Bản, không phải chỉ có các tố chất kể trên.
Giáo sư Trần Văn Thọ nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng, có khát vọng cháy bỏng trong việc phục hưng đất nước.
Những thế hệ người Nhật với năng lực xã hội như vậy đã đưa nước Nhật trở nên hùng cường, đưa dân tộc Nhật Bản từ chỗ đứng trên đống tro tàn sau chiến tranh, chỉ sau vài chục năm đã gia nhập thế giới thứ nhất. Người Nhật cầm hộ chiếu đi bất cứ đâu trên thế giới cũng được chào đón là thượng khách.
Tên tuổi của những nhà lãnh đạo, những quan chức, những doanh nhân, những trí thức ở thế hệ đó đã đi vào lịch sử và được tất cả người dân Nhật Bản kính trọng, tôn thờ. Thế hệ đó có quyền tự hào về những gì họ đã làm để phục vụ nước Nhật và nước Nhật cũng tự hào về họ.
Giáo sư Trần Văn Thọ đọc cho tôi nghe hai câu thơ của của vua Trần Nhân Tông “Người lính già đầu bạc / kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Lịch sử nước Việt từng có những thế hệ tự hào với công lao vệ quốc, chống ngoại xâm như vậy. Liệu mai này thế hệ hôm nay sẽ tự hào với con cháu về một nước Việt giàu mạnh, hùng cường.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước tiên tiến, thu nhập cao vào năm 2045, nghĩa là chỉ hơn 20 năm nữa. Khoảng thời gian không phải quá dài với một đời người. Lịch sử sẽ ghi nhận về giai đoạn này như thế nào là ở “năng lực xã hội” của thế hệ hôm nay. Dĩ nhiên người ở vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Đây là điều không ai có thể thoái thác.
Giai đoạn chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam, cả ở cấp cao và cấp bộ ngành, địa phương, đến trong bối cảnh bên ngoài quan hệ đối ngoại rộng mở, Việt Nam là đối tác toàn diện với 12 quốc gia, đối tác chiến lược với 18 quốc gia (trong đó có 7 quốc gia là Đối tác Chiến lược toàn diện)…; bên trong là nguồn lực của 100 triệu dân (đứng thứ 13 thế giới về dân số), giới trẻ thông minh, năng động và tiếp cận nhanh với các tiến bộ khoa học công nghệ…
Thời kỳ dân số vàng được cho sẽ kéo dài đến năm 2036, nghĩa là lợi thế vẫn cơ bản và là cơ hội “có một không hai” để Việt Nam phát triển kinh tế.
Liệu thế hệ của tôi, mà nhiều người hiện đã là lãnh đạo cấp bộ ngành, địa phương, sẽ kịp chứng kiến đất nước bước vào thời kỳ thu nhập cao, đi tàu tốc độ cao dọc đất nước để xem Olympic, World Cup…
Võ Văn Thành