Tướng Nguyễn Chí Vịnh & kỷ niệm nghề báo
Những kỷ niệm nghề nghiệp với cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng.
"Quân hàm Binh bét"
Tháng 12/2011, những ngày cuối năm chộn rộn, chúng tôi đã xong bản thảo bài phỏng vấn Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, chuyển vào tòa soạn ở Sài Gòn để in báo Tết. Nhưng trợ lý của ông gọi điện bảo “Nếu báo chưa lên khuôn ngay, chờ thêm ít hôm sẽ có thông tin điều chỉnh”.
Hơn một tuần sau, thông tấn xã đưa tin Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh được Chủ tịch nước thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng. Chúng tôi báo vào Sài Gòn chi tiết cần sửa để khi báo phát hành thì quân hàm của nhân vật đã được cập nhật.
Tình cờ, báo báo có tựa đề: Tướng Vịnh: Tôi tự hào với quân hàm “binh bét”.
“Binh bét” là một câu chuyện gia đình. Năm ông Vịnh 4 tuổi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - ba ông, thêu trên ve áo con mình hai miếng thiếc đỏ không sao không gạch và gọi chức của cậu con trai là “binh bét”. Người cha luôn bảo rằng khi lớn lên con đường của con là đi bộ đội.
“Nay mang trên vai quân hàm Thượng tướng, tôi rất tự hào và biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn quân đội. Nhưng niềm tự hào theo suốt cuộc đời tôi, đã ăn vào máu thịt tôi từ thủa ấu thơ chính là chức “binh bét” mà ba tôi đặt. Niềm tự hào ấy còn được nhân lên khi tên tôi cũng chính là tên khai sinh của ba tôi: Nguyễn Vịnh” - Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Theo lời kể của nhà văn Nguyệt Tú (phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh. Còn tên Nguyễn Chí Thanh đến với ông một cách bất ngờ. Ở Đại hội Tân Trào năm 1945, khi công bố danh sách lãnh đạo có tên Nguyễn Chí Thanh. Ông không biết là ai và hỏi thì ông Phạm Văn Đồng trả lời: “Chính anh”. Từ đó, ông mang tên Nguyễn Chí Thanh. Nhưng ông vẫn tiếc cái tên “cúng cơm” nên sau này ông đặt tên Vịnh cho cậu con trai út.
Ông Nguyễn Chí Vịnh được thăng quân hàm Thiếu tướng tháng 2/2002; Trung tướng tháng 12/2004 và Thượng tướng tháng 12/2011. Đây là giai đoạn ông lần lượt giữ các vị trí Phó tổng cục trưởng (từ tháng 11/1999), Tổng cục trưởng Tổng cục II, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 3/2009).
Tướng Vịnh nói: Mỗi khi được lên quân hàm, việc đầu tiên tôi làm là đến gặp chị Hà (chị gái ruột) để nói rằng “Bà chị ơi đây là quân hàm của em”. Tôi coi chị Hà thay ba mẹ mình. Sau khi gặp chị Hà thì tôi thắp hương cho ba mẹ. Đó là những khoảnh khắc có một nỗi buồn rất thấm thía mà không thể chia sẻ được với ai. Có một điều giản dị nhất là mình muốn báo hiếu cho ba mẹ mà không còn có cơ hội nữa.
Cuộc phỏng vấn đầu tiên
Sau khi Tướng Vịnh giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, tôi chờ cơ hội phỏng vấn ông - một nhân vật tìm kiếm trên Google có gần 5 triệu kết quả, nhưng lúc đó (thời điểm 2010-2011), khi ông mới rời công việc ở Tổng cục II thì đây là nhân vật rất “bí ẩn” với công chúng - đến nay vẫn chưa hết “bí ẩn”, nhưng chắc chắn là mọi người đã hiểu về ông nhiều hơn. Lúc đó ông cũng chưa xuất hiện nhiều trên báo chí như những năm gần đây.
Cơ hội và cái cớ để liên hệ, tiếp cận Tướng Vịnh đến vào lúc diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) tại Singapore tháng 6/2011, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng các nước Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ… Hai tuần trước Đối thoại này, tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những chủ đề nóng trên bàn nghị sự Đối thoại Shangri-la.
Bối cảnh này khiến nội dung đề nghị phỏng vấn của chúng tôi với tướng Vịnh rất thời sự và cũng rất nhạy cảm. Trong nghề nghiệp của mình, tôi đã nhiều lần bị từ chối phỏng vấn khi đề cập vấn đề nhạy cảm.
Lần đầu gọi điện đến Tướng Vịnh, tôi thực sự hồi hộp vì sợ ông sẽ từ chối. Tôi giới thiệu là phóng viên báo Tuổi trẻ và nêu ngắn gọn lý do, nội dung muốn phỏng vấn. Ông nói đang ở Singapore, ngày mai về nước song lại chuẩn bị đi Indonesia dự Hội nghị quốc phòng ASEAN ngay. Tôi thuyết phục thêm, thú thật giờ không nhớ đã nói gì, nhưng có lẽ đã nói rằng đây là chủ đề cần thiết một lãnh đạo đang giữ trọng trách và là người trong cuộc đứng ra phát ngôn, cam kết sẽ thực hiện “một cuộc phỏng vấn đàng hoàng”.
Ông không hứa trả lời, chỉ nói ngắn gọn “chiều mai tôi về, có gì gặp sau”. Tôi cảm ơn, tắt điện thoại, cảm nhận rằng “cánh cửa” đã mở hé.
Chén rượu đêm ở Chèm
Chiều tối hôm ấy trời đổ mưa tầm tã. Sếp của tôi - nhà báo Đa Trang, báo Tuổi trẻ TPHCM - cùng tôi đến gõ cửa ngôi nhà ở Chèm. Tìm địa chỉ dễ hơn chúng tôi hình dung, vì đến khu vực đó hỏi nhà Tướng Vịnh người dân đều biết.
Cuộc phỏng vấn đã trở thành kỷ niệm không chỉ với chúng tôi mà với cả Tướng Vịnh, vì sau này ông đã kể đi kể lại hàng chục lần chuyện này rất vui vẻ.
Trên trang cá nhân, anh Đà Trang thuật lại lời kể của ông: “Trời mưa và tối, bọn nó cứ đứng ở cửa nên đành phải cho vào. Chỉ định mời nước tiếp chuyện đợi ngớt mưa là tiễn. Vậy mà cuối cùng cũng trả lời (còn thay quần áo, mặc quân phục để Việt Dũng chụp hình). Khoảng 0h kém, đang tắm thì nghe vợ gọi, nói anh ơi mấy anh em nó gửi bài vào email em này. Đọc xong gửi lại cho chúng nó cũng gần 1h sáng. Thế mà báo ra ngay trong sáng đó”.
Không những ra ngay bài mà là bài tràn 2 trang báo giấy + nổi bật trang 1. Cả kíp trực hôm ấy chờ sẵn, dựng bài là chuyển Nhà in luôn. Nóng bỏng tay.
“Có lẽ vì pha ra mắt ấn tượng mà Anh tin quý, trả lời không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu chủ đề”, anh Đà Trang viết.
Phong cách trả lời phỏng vấn
Đúng như bản lĩnh Nguyễn Chí Vịnh mà sau này công chúng đã quen thuộc, trong cuộc phỏng vấn, ông không từ chối bất cứ câu hỏi gai góc nào của chúng tôi, về sự kiện cắt cáp; về Biển Đông; về tàu ngầm, máy bay; về cách hành xử của Philippines (lập hồ sơ đưa lên Liên Hiệp Quốc) có giá trị tham khảo như thế nào đối với Việt Nam… Nhiều nội dung trong bài phỏng vấn từ hơn 10 năm trước, khi đọc lại tôi thấy vẫn còn nguyên tính thời sự.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được uống rượu mời của Tướng Vịnh và lần đầu tiên nghe ông nói về những khái niệm như “Lợi ích chiến lược”, “Lòng tin chiến lược”.
Ba đặc điểm trả lời phỏng vấn của ông, tôi chứng kiến từ những ngày đầu:
Không ngại câu hỏi gai góc, nhạy cảm; luôn trả lời dù có khi đi thẳng vào vấn đề, có khi khéo léo.
Câu hỏi có thể cần gửi trước (theo quy chế phát ngôn của Bộ Quốc phòng) nhưng người trả lời không cần văn bản chuẩn bị sẵn. Ông nói vo hàng tiếng đồng hồ, luôn mạch lạc, về gỡ ghi âm ra là thành bài phỏng vấn hay.
Đốt thuốc lá liên tục.
Thói quen hút thuốc lá của Tướng Vịnh dường như còn được biết đến ở nước ngoài. Một lần, trong cuộc xung đột ở châu Âu, thông qua kênh đặc biệt, Tướng Nguyễn Chí Vịnh di chuyển đường bộ đến hầm trú ẩn của một vị lãnh đạo, mục đích là để nghiên cứu thực địa chiến tranh kiểu mới.
Trong cuộc trò chuyện, bất chợt vị này hỏi: "Tôi nghe nói anh hút thuốc nhiều lắm nhưng tại sao ở đây tôi không thấy anh hút?". Ông Nguyễn Chí Vịnh trả lời: "Để đảm bảo sức khỏe cho ngài, tôi sẽ không bao giờ hút thuốc trước mặt ngài cả". Vị lãnh đạo sau đó lấy một điếu thuốc ra mời khách và ông cũng hút, rồi bảo: "Anh cứ hút đi, nếu thấy thích thuốc này thì hàng tháng tôi xin gửi tặng anh 2 tút thuốc, kể cả sau này tôi không còn nữa thì anh cũng sẽ nhận được 2 tút thuốc này".
Quả thực, sau này dù thời thế biến động nhưng trong suốt thời gian dài, ông Nguyễn Chí Vịnh vẫn nhận được 2 tút thuốc mà vị lãnh đạo đã hứa.
Vị tướng mê đọc sách
Sau cuộc phỏng vấn đầu tiên vào tháng 6/2011, trong năm đó chúng tôi có đôi dịp trở lại ngôi nhà ở Chèm và cuộc ngồi lâu nhất (từ chập tối đến tận nửa đêm) là phỏng vấn ông để đăng báo Tết - một cuộc phỏng vấn có cả nội dung về “đời thường Tướng Nguyễn Chí Vịnh” chứ không chỉ các vấn đề thời sự.
Tướng Vịnh thường ngồi với chúng tôi ở ngoài sân hoặc trong căn phòng bên cạnh thư viện gia đình, nơi chứa cả nghìn đầu sách và tài liệu. Tôi ấn tượng với tủ sách của ông, không chỉ vì số lượng mà còn vì có đủ loại sách từ sách nhân vật, sách nghiên cứu, tiểu thuyết võ hiệp, truyện trinh thám Mỹ,… cho đến “Sát thủ đầu mưng mủ” - một cuốn sách tập hợp thành ngữ dân gian đương đại xuất bản năm 2011 của họa sĩ Thành Phong. Kiểu sách mà hồi ấy là một hot trend của giới trẻ.
Giá sách được xếp gọn gàng, ngăn nắp, không có bụi bám và phân loại theo chủ đề. Bên cạnh niềm đam mê sách, ông còn sở hữu bộ sưu tập với số lượng đáng nể mô hình lính chì của các quốc gia khác nhau. Trong căn phòng kế bên thư viện, những chú lính chì đủ màu sắc đứng im trong tủ kính dựng kín các bức tường.
Nói chuyện đọc sách, Tướng Vịnh chia sẻ: Tôi rất muốn biết thanh niên hiện nay đang đọc gì. Cứ rảnh rỗi là tôi ra Nguyễn Xí - phố sách ở Hà Nội - lang thang, xem thanh niên mua sách, xem họ cà phê nói cái gì, bóng đá, thời cuộc, tình hình chính trị. Tôi với vợ tôi đi ăn phở sáng mà cũng thấy câu chuyện biển Đông sôi nổi…
Ông hỏi chúng tôi đã đọc hai tập sách “Hongkong thủa ấy” chưa? “Một tác phẩm tuyệt vời của James Clavell, tên chuẩn của nó là Taipan. Rất hay, nhiều khi văn học và lịch sử giúp ta sáng lên ý tưởng cho những vấn đề thời sự hiện nay”.
Câu hỏi của ông khiến tôi bất ngờ vì quả thực không biết đến hai tập sách tiểu thuyết Mỹ này. Về sau đi tìm thì sách giấy không còn vì xuất bản từ năm 2001. Nội dung chính cuốn sách kể về các thương nhân châu Âu và Mỹ chuyển đến Hồng Kông vào năm 1842 sau khi kết thúc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, với bối cảnh là một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của Hồng Kông.
“Cuốn sách này, ngoài câu chuyện của nó, còn nói lên một điều, với bất cứ quốc gia nào khi đất nước mạnh lên, theo đó chủ quyền sẽ được thu hồi và bảo vệ đầy đủ”, Tướng Vịnh nói với chúng tôi.
Sau khi về hưu và cả khi bị bệnh, Tướng Vịnh dành nhiều thời gian để viết, gửi gắm tâm huyết vào những trang sách. Cuốn “Người Thầy”, ông viết về Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc) ra đời như vậy.
Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, “từ những ngày đầu tiên vào ngành năm 1984, cho đến năm 2000, khi Nguyễn Chí Vịnh được giao trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục II, không một ngày nào thiếu sự hiện diện của anh Ba Quốc bên cạnh cậu học trò của mình và đã giúp cậu ấy “nên người”.
Cuốn sách như Tướng Vịnh chia sẻ, là một sự tri ân của ông với người thầy của đời mình, và không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc, mà nói về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò… Những bài học về nghề, về người, về đời của ông Ba Quốc giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành.
Ngay sau khi phát hành (tháng 3/2023), “Người Thầy” trở thành một trong những cuốn sách bán chạy ở phố Nguyễn Xí. Tôi không biết tác giả có dịp “lang thang” ra Nguyễn Xí để xem mọi người mua cuốn sách của mình không. Chỉ biết rằng, ông còn ấp ủ ít nhất hai cuốn sách khác nữa, tiếc là thời gian không chiều lòng người.
Cuộc phỏng vấn cuối cùng
Lần cuối cùng tôi phỏng vấn ông ở gác hai căn nhà trên phố nhà binh Lý Nam Đế. Đó là một ngày giá lạnh cuối năm 2022, ông sắc diện tốt và giọng nói lúc trầm, lúc sôi nổi trong cuộc trò chuyện.
Phòng làm việc của ông như tấm hình tôi chụp chung ở trên, vẫn có hình ảnh quen thuộc: Giá sách với những cuốn sách xếp ngay ngắn.
11 năm nước chảy qua cầu, rất nhiều thứ đã thay đổi, nhưng có nhiều điều tôi quan sát ở ông thì nhất quán, trước sau như một “tư duy Nguyễn Chí Vịnh”. Đó là phản đối cách hành xử cường quyền, bạo lực, không tuân theo luật pháp quốc tế của nước lớn. Đó là tư duy “làm tất cả, sẵn sàng chấp nhận tất cả để giữ toàn vẹn chủ quyền, độc lập, tự chủ”, đồng thời cũng phải làm tất cả để giữ hòa bình, tránh xung đột. Bởi vì “Nếu xung đột không bên nào thắng”; bởi vì “Nếu có chiến tranh, có xung đột thì sẽ là thảm họa của dân tộc và là bất hạnh cho từng gia đình”.
Định nghĩa hòa bình với Tướng Vịnh “là những điều vô giá, là cuộc sống yên bình cho người dân, là cơm no áo ấm, là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tiếng cười trẻ thơ, là không còn những người mẹ mất con, là tất cả cuộc sống với chúng ta”.
Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với chúng tôi, ông dành thời gian nói nhiều về xung đột Nga - Ukraine. Quan điểm của Tướng Vịnh về cuộc xung đột này mọi người đều đã biết nên tôi không nhắc lại. Ông có nói một ý rằng, không cẩn thận thì “quá mù ra mưa” và những quốc gia theo đuổi đường lối sử dụng bạo lực để giành giật lấy lợi ích không chính đáng của mình sẽ phải trả giá.
“Tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ông là ai?”
Một câu hỏi mà liên tục trong nhiều cuộc phỏng vấn, cứ mở máy ghi âm lên thì thế nào nhà báo Đà Trang, người cùng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn, sẽ đưa ra với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, rằng “Ông là ai?”
Trong sổ ghi chép của tôi về cuộc phỏng vấn Tướng Vịnh tại nhà riêng cuối năm 2011, có đoạn: Khi máy ghi âm được bật lên để bắt đầu cuộc phỏng vấn, chủ nhà nói sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào, không né tránh. Vậy thì: “thưa Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, ông là ai?” - anh Đà Trang hỏi. Im lặng hồi lâu. Lại một điếu thuốc đỏ lửa. “Thưa, ông là ai?”. Trầm ngâm: “Tôi là Binh bét”.
Tôi không muốn diễn đạt nôm na ý câu hỏi của anh Đà Trang nghĩa là như thế nào. Như ghi chép tôi đã đăng hôm qua, Tướng Vịnh là nhân vật “bí ẩn” với công chúng, ông xuất thân đặc biệt và nhiều năm là người lính tình báo, là người phụ trách cao nhất của Tổng cục II. Công chúng muốn biết “ông là ai?” và công việc của nhà báo là đưa ra câu hỏi.
Với các câu hỏi của anh Đà Trang, như anh đã kể lại trên trang cá nhân, Tướng Vịnh hoặc không trả lời thẳng hoặc lảng sang chuyện khác”. “Thưa Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, ông là ai?”. Phải đến lần thứ tư nhắc lại câu hỏi, anh Đà Trang mới nhận được câu trả lời. Và câu trả lời ấy, 12 năm nay chưa đăng được.
Nhưng, không phải tất cả đều bí ẩn. Có những điều Tướng Vịnh nói về bản thân mình giản dị là một người đàn ông, một “anh bộ đội” mà ai cũng đều có thể hình dung. Ông chia sẻ rằng: Tôi là con người của đời thường với ba chỗ dựa: công việc, những người thân và bản thân mình.
“Tôi tự tin vào chính mình, nếu không làm nghề này thì cũng có thể làm việc khác, nhưng dù làm nghề gì đi nữa thì số phận cũng đã sắp đặt cho tôi, suốt đời tôi chỉ là một người lính. Và cũng như bất cứ người Việt Nam nào, tôi quan tâm đến tương lai đất nước. Dù ở thời đại nào, sự mất còn của đất nước, thịnh suy của dân tộc đều gắn với trách nhiệm của mỗi người dân bình thường đối với đất nước. Đó là điều tôi luôn quan tâm và hướng tới”, Tướng Vịnh nói.
Ông cũng chia sẻ với chúng tôi, những khó khăn, những thách thức mà ông trải qua trong cuộc đời, cho dù sinh ra là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được đùm bọc trong tình yêu thương, nhưng để trưởng thành, để từ người lính binh nhì đến Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bên cạnh sự dìu dắt của những người thầy, là rất nhiều nỗ lực tự thân.
“Tôi đã có những cái nông nổi, sai lầm của tuổi trẻ, nhưng rồi khi tôi nhớ đến danh hiệu binh bét mà ba tôi phong tặng thì tôi biết phải sống sao cho xứng đáng và biết rằng mình phải sửa chữa khuyết điểm…”, ông nói.
Năm 1979, bà Nguyễn Thị Cúc, phu nhân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời. “Khi đứng trước mộ mẹ, tôi đã hứa rằng “sẽ không sống hoài, sống phí”, Tướng Vịnh kể lại.
Ông gia nhập Quân đoàn 1, là chiến sĩ d18, Sư đoàn 390; rồi sau đó là Học viên Trường SQKT Thông tin; Đại học Ngoại ngữ Quân sự (nay là Học viện Khoa học Quân sự).
Năm 1984 ông đi chiến trường Campuchia, lăn lộn ở đó 5 năm liên tục không về phép ngày nào. Cũng trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi cuối năm 2011, ông tự hào nói rằng, sau thời gian ở Campuchia, ông về ngành tình báo quân đội và có bốn đơn vị đã được phong anh hùng thời kỳ ông trực tiếp làm thủ trưởng các đơn vị này.
Kỷ niệm phỏng vấn ông Hun Sen
Đầu năm 2012, sau một cuộc trò chuyện của chúng tôi với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (lúc này ông đang giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), đột nhiên ông hỏi: Các em có muốn phỏng vấn ông Hunsen, Thủ tướng Campuchia, không?
Câu trả lời của chúng tôi: Có chứ ạ!
Vậy là chúng tôi tất bật chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn đó, nghiên cứu tài liệu và tham vấn các câu hỏi cần thiết với ông Hun Sen.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bên lề Lễ khánh thành di tích lịch sử địa điểm đoàn 125 tại Đồng Nai. Đoàn 125 là tiền thân của lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia, do ông Hun Sen làm chỉ huy trưởng. Lễ khánh thành di tích này có sự tham dự của Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hôm đó ông Hun Manet, con trai ông Hun Sen, nay là Thủ tướng Campuchia, cũng có mặt.
Đó là một cuộc phỏng vấn kéo dài liên tục gần 3 giờ đồng hồ. Ông Hun Sen cởi mở và trả lời thẳng thắn các câu hỏi của báo chí Việt Nam, kể cả những câu hỏi về việc chung của đất nước cũng như việc riêng, gia đình ông. Bài phỏng vấn đã đăng trên báo Tuổi trẻ, phát hành ngày 4/1/2012.
Trong cuộc phỏng vấn này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kể lại: Khi ông rời Campuchia đến Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, ông mới 25 tuổi.
Sau đó ông Hun Sen trở thành bộ trưởng ngoại giao lúc 27 tuổi. Năm 32 tuổi, ông trở thành thủ tướng Campuchia, lúc bấy giờ là một trong những thủ tướng trẻ nhất thế giới.
“Tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là trẻ hay già, không phải chỉ người già mới làm lãnh đạo được. Kinh nghiệm của tôi cho thấy sẽ là bảo thủ khi ai đó cứ nghĩ đến tuổi già của mình và ngăn cản tuổi trẻ, đó là một sai lầm” ông Hun Sen nói và cho hay trước đây ở Campuchia, mọi người thường hỏi về lý lịch, hỏi về tuổi ai đó trước khi đề bạt họ. Ông Hun Sen đã đấu tranh với vấn đề này bằng cách thể hiện mình trong vai trò người chỉ huy quân đội và xây dựng lực lượng quân đội.
“Không phải những người trên dưới 30 tuổi thì không làm bộ trưởng, làm thứ trưởng được mà phải đợi đến khi 40 hoặc 50 tuổi, vấn đề là chúng ta có dám trao công việc cho người trẻ hay không”, ông Hun Sen nói.
Trả lời câu hỏi “Ông có muốn con trai mình theo đường chính trị như cha?”, Thủ tướng Hun Sen cho hay ông có 3 người con trai và ông cũng muốn cho con trai nối nghiệp, nhưng ông nhấn mạnh rằng “đừng quên ở Campuchia dưới chế độ dân chủ phải đi qua bầu cử, nếu dân không bầu, trong Đảng không ủng hộ thì không thể làm gì hết”.
Đây là câu trả lời của ông Hun Sen ở thời điểm tháng 1/2012. Và chúng ta biết rằng ông Hun Sen đã rời vị trí Thủ tướng Campuchia sau 38 năm lãnh đạo đất nước vào tháng 7/2023.
Đại tướng Hun Manet, 45 tuổi, đã được bầu làm Thủ tướng, chính thức lãnh đạo Chính phủ Campuchia từ tháng 8/2023.
Thông qua chuyến đi đưa tin về Lễ khánh thành di tích lịch sử địa điểm đoàn 125 và cuộc phỏng vấn, tôi được chứng kiến phong cách trả lời báo chí của ông Hun Sen, và ngoài nội dung phỏng vấn chính thức, còn biết thêm rằng ông Hun Sen rất thích ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là món ốc hương.
Ngoài ra, tôi cũng được chứng kiến sự gần gũi, thân cận giữa Thủ tướng Hun Sen và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Là người lính lăn lộn ở chiến trường Campuchia, Tướng Vịnh hiểu địa bàn và hiểu lãnh đạo Campuchia. Trong đời thường, Tướng Vịnh chia sẻ với ông Hun Sen sở thích chung về môn thể thao vua: Bóng đá.
Mỗi kỳ World Cup hay một giải bóng đáp lớn nào đó, Thủ tướng Hun Sen và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thường liên lạc và đố vui có thưởng với nhau, phần thưởng có thể là chiếc áo của đội tuyển quốc gia vừa thắng trận.
Tháng 9/2023, sau khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lâm bệnh và qua đời, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và phu nhân; Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet và phu nhân, đã cùng gửi điện chia buồn đến gia quyến Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Võ Văn Thành
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (1959 - 2023)
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI, XII)
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Sinh ngày 15/5/1959 tại Hà Nội (lý lịch chính thức ghi sinh năm 1957, vì ông từng khai thêm 2 tuổi để đủ tuổi được nhập ngũ)
Quê xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam