Thu nhập bình quân đầu người Hàn Quốc 'vượt mặt' Nhật Bản
GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm nay sẽ đạt 34,165 USD, cao hơn Nhật Bản ở mức 33,138 USD.
Chào các bạn
Chiều Chủ nhật tuần trước tôi từ thành phố Hạ Long về Hà Nội sau 2 ngày tham gia cùng nhóm phóng viên đưa tin về bão Yagi tại khu vực tâm bão. Khi đó, dẫu biết rằng ngay sau bão sẽ là mưa lũ, nhưng nhìn trời nắng hửng lên dọc đường cao tốc, không ai có thể ngờ rằng phía trước là một tuần rất dài, rất đau thương…
Suốt tuần qua, cũng như mọi người, tôi chỉ quay cuồng với tin tức mưa lũ mà hầu như không để tâm gì đến bất cứ chuyện nào khác. Hôm nay mới có thời gian ngồi đọc và điểm lại một số câu chuyện, xu hướng thế giới đáng chú ý trong tuần.
- GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc “vượt mặt” Nhật Bản. Diễn biến này nói lên điều gì?
- Apple bắt đầu sản xuất iPhone 16 tại Ấn Độ. Động thái nằm trong xu hướng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
- Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh già hóa dân số.
- Bầu cử Mỹ: Taylor Swift tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Kamala Harris, liệu điều này có quan trọng không?
- Giải Ig Nobel.
GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản
Bài viết của Kang-Kook Lee, Phó giáo sư tại Khoa Kinh tế sau đại học Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), dẫn số liệu của IMF dự báo rằng GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm nay sẽ đạt 34.165 USD, cao hơn Nhật Bản ở mức 33.138 USD.
Mặc dù điều này một phần do đồng yên mất giá mạnh gần đây, nhưng về cơ bản là nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ lâu đã nhanh hơn Nhật Bản.
Người dân Hàn Quốc hẳn rất tự hào với cột mốc nói trên.
Đây là một xu hướng đáng chú ý nếu bạn xem xét bối cảnh lịch sử rằng Hàn Quốc (bao gồm cả Bắc Triều Tiên ngày nay) là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 đến năm 1945. Trong hàng chục năm, Hàn Quốc được cho đã học hỏi từ sự phát triển kinh tế của Nhật Bản và nhận viện trợ phát triển chính thức từ Tokyo.
Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản cao hơn Hàn Quốc 3,9 lần và thậm chí vào năm 2010, con số này còn gấp đôi.
Dân số Nhật Bản: 125,1 triệu người; GDP năm 2023 là 4.200 tỷ USD
Dân số Hàn Quốc: 51,63 triệu người; GDP năm 2023 là 1.713,1 tỷ USD
Theo quan điểm của PGS Kang-Kook Lee, mặc dù GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc hiện cao hơn Nhật Bản, nhưng khó có thể nói rằng người Hàn Quốc nhất thiết hạnh phúc hơn. Nhiều người phải đối mặt với áp lực lớn từ sự cạnh tranh và sự so sánh liên tục với những người khác, điều này, nghịch lý thay, cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của họ.
Điều quan trọng cần nhớ là số liệu thu nhập quốc dân không phản ánh đầy đủ những điểm tương đồng và khác biệt giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ví dụ, tình trạng nghèo đói ở người già và tỷ lệ sinh thấp nghiêm trọng hơn ở Hàn Quốc. Theo OECD, tỷ lệ nghèo đói ở những người trên 65 tuổi là khoảng 39% ở Hàn Quốc vào năm 2021, so với 20% ở Nhật Bản. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, có thể là thấp nhất thế giới, là 0,72 vào năm 2023, trong khi tỷ lệ này của Nhật Bản là 1,2.
Tuy nhiên, Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức lớn hơn với dân số già hóa và vị thế tài chính của quốc gia, có mức nợ công cao nhất so với GDP. Trong khi bất ổn kinh tế rõ rệt hơn ở Hàn Quốc - với chu kỳ công việc ngắn hơn, mạng lưới an sinh xã hội hạn chế…
Chỉ số Cuộc sống Tốt đẹp hơn của OECD đo lường 11 yếu tố bao gồm nhà ở, việc làm, cộng đồng, sức khỏe và môi trường. Hàn Quốc đạt điểm thấp nhất trong số các quốc gia OECD về chỉ số cộng đồng, đánh giá liệu mọi người có ai đó để dựa vào khi cần hay không, cũng như trong các lĩnh vực môi trường như ô nhiễm không khí.
Trong khi đó, Nhật Bản đạt điểm kém về sự tham gia của công dân, còn Hàn Quốc đạt điểm tương đối cao trong lĩnh vực này. Cả hai quốc gia đều xếp hạng thấp hơn so với nhiều quốc gia khác về sự hài lòng với cuộc sống và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, với Nhật Bản xếp thứ 31 và Hàn Quốc xếp thứ 35 trong số 41 quốc gia OECD.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024, Nhật Bản xếp thứ 51 và Hàn Quốc xếp thứ 52 trong số 143 quốc gia, xếp hạng tương đối thấp về mặt hạnh phúc mặc dù mức thu nhập của họ cao. Điều này cho thấy cả hai quốc gia đều cần nhiều hơn là chỉ tăng trưởng kinh tế. Họ nên tập trung vào việc phân phối lợi ích của tăng trưởng một cách công bằng hơn và đảm bảo rằng mọi người có thể có cuộc sống an toàn và viên mãn.
Apple bắt đầu sản xuất iPhone 16 tại Ấn Độ
Các nhà phân tích cho biết quyết định sản xuất dòng iPhone 16 mới ra mắt tại Ấn Độ của Apple đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của gã khổng lồ công nghệ này, khi họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình trong bối cảnh thách thức về địa chính trị.
Lâu nay Apple luôn dựa vào Trung Quốc để sản xuất tất cả các mẫu điện thoại thông minh cao cấp, trong khi các nhà cung cấp Ấn Độ chủ yếu xử lý các phiên bản iPhone cấp thấp và cũ hơn.
Tuy nhiên, các báo cáo mới cho biết Apple đang sản xuất hàng loạt dòng iPhone mới nhất (bao gồm cả dòng Pro) trên quy mô lớn tại Ấn Độ, bên cạnh sản xuất tại Trung Quốc.
Đây có thể là một phần trong nỗ lực của Apple nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên xấu đi, nhưng nó cũng cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng vào khả năng sản xuất công nghệ cao của Ấn Độ.
Khi Apple tìm cách đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, Ấn Độ và Việt Nam nổi lên là những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, mặc dù các nhà phân tích khẳng định rằng Trung Quốc vẫn sẽ là một trung tâm sản xuất quan trọng.
Ấn Độ đã mở rộng mạng lưới cung ứng nhưng nước này chỉ tập trung vào lắp ráp sản phẩm cuối cùng, trong khi Trung Quốc lại vượt trội ở nhiều khía cạnh của quy trình sản xuất và chế tạo.
Hầu hết iPhone vẫn tiếp tục được lắp ráp tại Trung Quốc và các chuyên gia lưu ý rằng Apple sẽ phải đối mặt với những thách thức để tiếp tục mở rộng tại Ấn Độ. Một vấn đề chính là sự chậm chạp trong việc đào tạo lực lượng lao động lành nghề, đặc biệt là khi thiết kế thiết bị ngày càng phức tạp hơn.
Lần đầu tiên kể từ năm 1950, Trung Quốc đã tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thêm tới 5 năm. Họ cũng tăng thời gian mọi người phải đóng vào quỹ hưu trí trước khi đủ điều kiện để rút tiền, đẩy từ 15 lên 20 năm.
Trong 15 năm tới, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ tăng từ 60 lên 63 tuổi, và tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ tăng từ 50 tuổi đối với công việc lao động chân tay và 55 tuổi đối với công việc trí óc lên lần lượt là 55 và 58 tuổi.
Quyết định trên nhằm giải quyết tình trạng dân số suy giảm và lực lượng lao động già hóa của Trung Quốc. Dự báo vào năm 2035, Trung Quốc sẽ có khoảng 400 triệu người – nhiều hơn dân số Hoa Kỳ - trên 60 tuổi.
---------
Taylor Swift tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Kamala Harris, liệu điều này có quan trọng không?
Vài phút sau khi cuộc tranh luận tổng thống giữa hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump kết thúc, nữ ca sĩ Taylor Swift đã thông báo với 283 triệu người theo dõi trên Instagram của cô rằng cô sẽ bỏ phiếu cho bà Harris, "vì bà ấy đấu tranh cho quyền lợi và các mục đích mà tôi tin là cần một chiến binh để bảo vệ chúng".
Bài đăng của Swift đã nhận được hàng triệu lượt thích và với nhiều người thì đây là tin quan trọng hơn chính cuộc tranh luận. Nhưng liệu nó có ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử không?
Theo nhận định tóm tắt của The Economist, sự ủng hộ của người nổi tiếng với một ứng cử viên khó có thể thay đổi suy nghĩ của cử tri (nhất là những cử tri trước đó đã nghiêng về một bên). Nhưng động thái ủng hộ sẽ thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, và qua đó có thể lôi kéo được một số lượng nhất định cử tri còn lưỡng lự.
Khi Taylor Swift ủng hộ Harris trên Instagram, cô ấy cũng đăng một liên kết đến Vote.gov, một trang web đăng ký. Trong vòng 24 giờ, hơn 400.000 người đã nhấp vào đó.
Trước khi giải Nobel được công bố trong tháng tới, một loại kỳ tích khoa học khác đã được công nhận.
Lễ trao giải Ig Nobel thường niên dành cho thành tựu khoa học hài hước, do Viện Công nghệ Massachusetts tổ chức đã diễn ra vào giữa tuần này.
Những người chiến thắng năm nay sở hữu các công trình nghiên cứu như: Bằng chứng cho thấy một số loài động vật có vú có khả năng thở qua hậu môn; một nghiên cứu về tính khả thi của việc sử dụng chim bồ câu để dẫn đường cho tên lửa; và một báo cáo giải thích về khả năng bơi của cá hồi chết.