Tạm biệt Gojek
Thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở Việt Nam lần lượt chứng kiến nhiều ông lớn đến và đi. Xu hướng này nói lên điều gì?
Gojek vừa nói lời tạm biệt Việt Nam, một sự kiện có lẽ mọi người sẽ nhanh chóng lãng quên. Tuy nhiên, hệ quả của xu hướng này rất có thể là một thị trường ngày càng ít cạnh tranh hơn, cuối cùng là khách hàng chịu thiệt.
Tôi quen dùng Grab nên thật ra việc Gojek rời đi trước mắt không ảnh hưởng gì. Nhưng dù sao từ góc nhìn của một người tiêu dùng, tôi vẫn thấy rằng mình đã mất đi một sự lựa chọn.
Thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở VN lần lượt chứng kiến nhiều gã khổng lồ đến và “ôm đầu máu” rời đi trong những năm qua. Cuối năm 2013, EasyTaxi - một ứng dụng có nguồn gốc Brazil, vào Việt Nam. Sau đó ít tháng đến lượt Grab, rồi Uber.
EasyTaxi chỉ trụ được đến năm 2015, còn Uber rút lui vào năm 2018.
Đây là giai đoạn Uber dưới sự điều hành của Travis Kalanick, vị CEO nổi tiếng với chiến lược phát triển tham vọng. Nhưng Uber đã bất ngờ rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á bao gồm VN và để lại khá nhiều bàn tán, thắc mắc lúc đó.
Theo thỏa thuận được báo chí đưa tin vào năm 2018, Uber bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, nhận về 27,5% cổ phần của hãng đối thủ với ước tính khoảng 1,6 tỷ USD. Hiện Uber được cho nắm giữ 14% cổ phần Grab. Như vậy dù không hiện diện nhưng có thể nói Uber vẫn liên quan một cách gián tiếp đến thị trường VN, hay ít nhất là liên quan đến kết quả kinh doanh của Grab.
Nhớ lại giai đoạn Uber, Grab bắt đầu vào VN và hoạt động theo hình thức thí điểm xe hợp đồng điện tử, với 4 địa phương đăng ký tham gia là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TPHCM đã tạo nên sự sôi động cho thị trường, giúp người Việt làm quen với một loại hình dịch vụ mới, làm quen với "nền kinh tế chia sẻ".
Người dùng háo hức với loại hình vận tải ứng dụng công nghệ mới; các hãng đổ tiền khuyến mãi, giảm giá cước để giành thị phần; tài xế đổ xô tham gia công việc mưu sinh khả dĩ; cơ quan chức năng chưa siết quản lý…
Nhưng rồi ngày vui không kéo dài mãi. Đến khi thương hiệu Uber, Grab tràn ngập đường phố thì các hãng taxi truyền thống phản ứng mạnh mẽ. Lúc này xảy ra một số vụ xâm hại hành khách, trong khi hãng quản lý ứng dụng gọi xe phản ứng rất chậm hoặc phủi tay. Tiền chiết khấu cho tài xế giảm. Cơ quan quản lý nhà nước bắt đầu cấm Uber, Grab trên một số tuyến phố theo giờ, thậm chí tính biện pháp hạn chế đà tăng trưởng đầu xe của các hãng này.
Nhà chức trách xem xét sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô để siết chặt quản lý đối với các hãng taxi công nghệ.
Chặng đường đã qua cho thấy sức sống của loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ, các hãng taxi truyền thống tuy chưa biến mất nhưng mất dần thị phần.
Với Grab, từ chỗ App gọi xe, phát triển lên thành siêu App, gồm giao hàng, đồ ăn, đi chợ, khách sạn, bảo hiểm…
Những năm gần đây thêm Beamin, ông lớn ứng dụng giao đồ ăn của Hàn Quốc vào thị trường VN, nhưng cũng chỉ trụ hạng được trong 4 năm.
Và mới nhất là Gojek điền tên mình vào danh sách nói lời tạm biệt, sau hơn 6 năm vật lộn ở thị trường VN.
Sự rút lui hàng loạt thường cho thấy, hoặc là thị trường cạnh tranh quá khốc liệt, hoặc là thị trường quá nhỏ, và có thể là cả hai.
Trong trường hợp Việt Nam, theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe ước đạt 1,17 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 3,19 tỷ USD vào năm 2029. Còn theo báo cáo của Momentum Works, giá trị chi tiêu trên các nền tảng giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2023 tăng 30%, lên 1,4 tỷ USD.
Như vậy thị trường VN với dân số 100 triệu và mức tăng trưởng kinh tế trên 5% (năm 2023) thì quy mô không hề nhỏ và hứa hẹn phát triển hơn nữa.
Câu trả lời có lẽ là cạnh tranh quá khốc liệt! Các ứng dụng công nghệ thường sử dụng chiến lược “đốt tiền” trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường. Kẻ ở lại là kẻ “đốt” bền bỉ hơn.
Năm 2023, Xanh SM bất ngờ gia nhập thị trường gọi xe và giúp thị trường có thêm một tay chơi thuần Việt. Tuy vào sân muộn nhưng chỉ trong hơn 1 năm, Xanh SM đã nhanh chóng chiếm lĩnh gần 20% thị phần. Tay chơi còn lại là Be tỷ lệ 30%. Gojek chỉ chiếm khoảng 7% trước khi rời đi.
Theo reviews của nhiều người trên mạng xã hội và cũng giống với trải nghiệm của tôi, thế mạnh của Xanh SM là: (i) Xe mới, sạch sẽ, tài xế lịch sự; (ii) giá chỉ cao hơn chút ít so với Grab (nhiều người nói là giá bằng nhau). Tuy nhiên điểm yếu của Xanh SM nằm ở (i) App không thông minh bằng Grab; (ii) không có xe 7 chỗ, chưa đi được tỉnh xa.
Tôi có lần gọi xe Xanh SM ở điểm A nhưng app chỉ cho bác tài đến điểm B, cuối cùng tôi mất công chờ đợi (hết kiên nhẫn đành gọi xe khác), còn bác tài thì mất công vòng vèo cuối cùng vẫn không có khách.
Về chất lượng xe của Xanh SM, các bác tài mà tôi có dịp trò chuyện đều đánh giá khá tốt, vấn đề bị than phiền là thời gian chờ sạc pin quá lâu và quá ít điểm sạc.
Trên điện thoại của tôi hiện nay chỉ có ứng dụng của hai nhà cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn là Grab và Xanh SM. Nhìn ở góc độ này phải cảm ơn sự xuất hiện của Xanh SM, nếu không có anh Vượng, Grab đã trở thành... “một mình một chợ”.
Trong thị trường cạnh tranh, người tiêu dùng có thể hy vọng rằng các nhà cung cấp dịch vụ sẽ nỗ lực giảm giá, cung cấp nhiều ưu đãi và mở rộng mạng lưới đối tác. Nhưng khi không còn đối thủ thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Thành Võ
Nhật ký trực tin ngày 20/9/2024
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa XIII) đã giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bổ sung quy hoạch Trung ương khóa XIV; thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Hội nghị cũng bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, gồm: ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa và ông Đinh Văn Cường, Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Việt Nam có vaccine sốt xuất huyết
Từ ngày 20/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt và triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm hiện đại trên toàn quốc.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu - tác giả hàng trăm công trình nghiên cứu, sách nổi tiếng về địa bạ, bản đồ - qua đời ở tuổi 104, ngày 20/9.
Vụ tấn công chết người vào máy nhắn tin và máy bộ đàm mang nhãn hiệu châu Á của Hezbollah đã làm dấy lên cuộc tìm kiếm dữ dội về nguồn gốc của các thiết bị này, hé lộ một thị trường công nghệ cũ không rõ ràng , nơi người mua có thể không chắc chắn về những gì họ sẽ nhận được
Trung Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận về nước của nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Thỏa thuận này, bao gồm hoạt động giám sát quốc tế, mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh cấm toàn diện đối với hải sản Nhật Bản mà Bắc Kinh áp đặt vào năm ngoái. Trước đó lệnh cấm được đưa ra để ứng phó với việc xả nước từ nhà máy, nơi đã bị ảnh hưởng sau trận động đất và sóng thần năm 2011.
Con số trong ngày: 150 tỷ đô la, mức định giá mà Open AI , nhà sản xuất Chat GPT , được cho là đang tìm kiếm từ các nhà đầu tư. Đọc toàn bộ câu chuyện.