Tại sao cơn sốt tiền điện tử đang đạt đến tầm cao mới
Những người chơi bitcoin có đúng khi quá phấn khích trước chiến thắng của tổng thống đắc cử Donald Trump không?
Vào đêm bầu cử tổng thống Mỹ, khi rõ ràng là ông Trump đã giành chiến thắng, giá bitcoin, loại tiền điện tử được giao dịch rộng rãi nhất, đã tăng vọt 10%. Đến ngày 13/11, ngay trước khi đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện, bitcoin đã tăng vọt lên trên 93.000 USD. Kể từ giữa tháng 10, nó đã tăng gần 50% (xem biểu đồ).
Bitcoin không phải là đồng tiền số duy nhất được yêu thích. Không tính các đồng tiền ổn định, được thiết kế để tránh biến động giá, 20 đồng tiền điện tử hàng đầu đã tăng giá nhanh hơn, trung bình, so với bitcoin trong tuần qua. Dogecoin, một đồng tiền meme thường được tỷ phú Elon Musk (một người hâm mộ ông Trump) quảng bá, đã tăng 140% kể từ ngày bầu cử. Giá trị của thị trường tiền điện tử toàn cầu đạt 3 nghìn tỷ đô la lần đầu tiên vào ngày 12/11.
Diễn biến này đánh dấu sự trở lại đáng kinh ngạc từ năm 2022 - 2023, khi một cơn bão đã đẩy tiền điện tử lao dốc từ đỉnh cao mà chúng đã đạt được trong cơn sốt năm 2021. Vào thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhanh chóng tăng lãi suất, làm dịu cơn sốt đầu cơ đã bao trùm thị trường sau đại dịch covid-19. Quản lý yếu kém và gian lận đã khiến một số công ty tiền điện tử từng được coi là minh bạch - trong đó có FTX , một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất - sụp đổ, làm hoen ố lĩnh vực tiền số. Các cơ quan giám sát tài chính bắt đầu “gầm gừ”.
Vào cuối năm 2023, khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu được khởi động, ngành công nghiệp tiền điện tử đã nhìn thấy cơ hội để đảo ngược tình thế. Trong những tháng tiếp theo, ông Trump đã chứng tỏ mình là một nhà vô địch khoa trương của tiền điện tử. Trên mạng, ông đã quảng bá World Liberty Financial, một dự án tài chính phi tập trung được gia đình ông hậu thuẫn. Tại các cuộc vận động bầu cử, ông đã hứa sẽ biến nước Mỹ thành "siêu cường bitcoin của thế giới".
Những người vận động hành lang tiền điện tử đã chi hơn 100 triệu USF để ủng hộ các ứng cử viên có thiện cảm vào Quốc hội trong chu kỳ bầu cử.
Dĩ nhiên là các nhà đầu tư tiền điện tử hoan nghênh sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump. Họ hy vọng rằng sự thay đổi chính quyền sẽ khiến các quy định trở nên thân thiện hơn với tiền điện tử. Vào tháng 7, khi ông Trump phát biểu trước đám đông cuồng nhiệt tại buổi tiệc lớn nhất của ngành, tiếng reo hò lớn nhất đã nổ ra khi ông hứa sẽ sa thải Gary Gensler , chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch ( SEC ). "Từ giờ trở đi, các quy tắc sẽ được viết bởi những người yêu thích ngành của bạn", ông nói khi đó.
Trên thực tế, ông Trump không thể sa thải ông Gensler mà không có lý do trước khi ông này kết thúc nhiệm kỳ của mình, vào năm 2026 - mặc dù theo thông lệ, các chủ tịch SEC sẽ từ chức khi một tổng thống mới nhậm chức.
Sự ra đi của ông Gensler sẽ loại bỏ một nhân vật phản diện hoàn hảo khỏi ngành công nghiệp tiền số. Ông không tin vào giá trị của tiền điện tử, nghi ngờ rằng chúng sẽ bao giờ đạt được sự chấp nhận như các loại tiền tệ truyền thống. Ông đã tô vẽ thế giới tiền điện tử, không phải vô cớ, là đầy rẫy những kẻ lừa đảo và trộm cắp.
Và ông đã đưa một danh sách dài các công ty tiền điện tử nổi tiếng ra tòa, từ Kraken và Coinbase (hai sàn giao dịch tiền điện tử) đến Ripple (một công ty phát hành tiền điện tử) và Cumberland DRW (một công ty môi giới). Điều đó đã buộc nhiều liên doanh tiền điện tử phải trả các khoản phí pháp lý khổng lồ và đầu tư mạnh vào việc tuân thủ luật lệ. Các vấn đề pháp lý và chi phí tăng vọt đã phủ bóng đen lên tương lai của ngành.
Trọng tâm cuộc thập tự chinh của ông Gensler là lập luận rằng nhiều loại tiền kỹ thuật số thực chất là chứng khoán - quy định về loại tiền này nằm trong phạm vi quản lý của SEC - và do đó, các công ty phát hành, giao dịch hoặc chào bán chúng phải đăng ký với ủy ban. Những người phát hành và đại lý chứng khoán phải tiết lộ nhiều thông tin hơn cho các cơ quan quản lý, và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho khách hàng so với những gì các công ty tài sản kỹ thuật số mong muốn. Họ muốn tiền điện tử được quản lý theo một chế độ riêng (và có lẽ là nhẹ nhàng) hoặc như hàng hóa, được giám sát bởi Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) ít can thiệp hơn.
Dưới thời chính quyền “Trump 2.0”, các quy định quản lý tài sản kỹ thuật số có thể không chỉ thuận lợi hơn mà còn nhất quán hơn. Trong những năm gần đây, SEC và CFTC thường xuyên tranh cãi về việc tài sản tiền điện tử nào thuộc thẩm quyền của họ. Ví dụ, cả hai đều đã từng tuyên bố quyền tài phán đối với ether, loại tiền điện tử phổ biến thứ hai, mặc dù SEC cuối cùng đã nhượng bộ (bitcoin cũng được coi là một loại hàng hóa). Các công ty tiền điện tử cũng cáo buộc ông Gensler liên tục thay đổi các quy định của SEC áp dụng cho tài sản kỹ thuật số.
Sự nhất quán có thể là giải thưởng lớn nhất mà những người hy vọng phát triển tiền điện tử thành một loại tài sản được các nhà đầu tư tổ chức ưa chuộng, nhưng do không có các quy tắc ổn định và tranh cãi, nên phần lớn vấn đề vẫn chưa… rõ ràng. Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể ca ngợi tiền điện tử, nhưng hy vọng về sự nhất quán thì hãy chờ xem.
(Nguồn: Economist)