Sách giáo khoa trong "bão"
Bão lũ cuốn trôi nhiều thứ nhưng không nên để nó “cuốn” trở lại cách làm sách giáo khoa như cũ.
Sau bão Yagi, tôi thấy trên mạng xã hội nhiều dòng trạng thái về sách giáo khoa (SGK), với ý chính nên dùng một bộ SGK thống nhất trên toàn quốc.
Lý do của đề xuất này là bão lũ khủng khiếp vừa qua khiến nhiều em học sinh, nhiều nhà trường ở một số tỉnh phía Bắc bị hư hỏng, mất mát SGK. Và do chúng ta dùng nhiều bộ SGK nên gia đình và các em không dễ mua lại sách mới. Các nhà hảo tâm mua tặng SGK cho học sinh vùng bị bão lũ càn quét cũng gặp khó trong việc nên mua bộ SGK nào. Với các nhà trường, thầy cô giáo thì mất khá nhiều thời gian để thống kê, phân loại, tìm nguồn...
Bởi vậy, nếu dùng một bộ SGK sẽ thuận tiện hơn.
Ban đầu chỉ một, hai ý kiến theo hướng trên nên tôi không quan tâm. Nhưng dần thấy các đề xuất tương tự xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Thiên tai gây hậu quả nặng nề, lại đúng vào dịp năm học mới nên chắc chắn là các thầy cô, các em học sinh ở nơi bão lũ càn quét rất khó khăn, khổ cực. Việc khắc phục hậu quả bão lũ, dù nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ rất lớn, nhưng không thể một sớm một chiều ổn định trở lại. Tuy nhiên sách giáo khoa lại là câu chuyện khác. Bão lũ cuốn trôi nhiều thứ nhưng không nên để nó “cuốn” trở lại cách làm SGK như thời trước khi có chủ trương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này.
Câu chuyện dài, nhưng tựu trung “xã hội hóa biên soạn SGK”, “có một số SGK cho mỗi môn học” là quyết sách đúng, được nhiều chuyên gia am hiểu giáo dục ủng hộ.
“Một chương trình nhiều bộ SGK” cho phép các giáo viên và trường học lựa chọn tài liệu phù hợp với điều kiện địa phương và năng lực học sinh, nghĩa là đảm bảo tính đa dạng và linh hoạt trong giảng dạy.
Khi có nhiều bộ SGK, các nhà xuất bản và tác giả sẽ phải nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trình bày để thu hút sự lựa chọn của các trường học, phụ huynh và học sinh. Điều này dẫn đến việc tạo ra những sản phẩm giáo dục có chất lượng tốt hơn.
Việc có nhiều bộ SGK cũng khuyến khích sáng tạo và đổi mới, giảm bớt những áp lực từ việc chỉ có một bộ sách duy nhất. Những vấn đề phát sinh liên quan đến SGK nhiều khi nằm ở chỗ khác chứ phải nằm ở chuyện có nhiều bộ sách.
Việc “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” không đi ngược lại quyết sách nêu trên.
Cuối cùng, xin nhắc lại một đoạn trong kết luận (số 91-KL/TW) mới đây của BCT: “Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa”.
Thành Võ
Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nói gì về Sách giáo khoa?
“Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Xem toàn văn Nghị quyết 88 tại đây.