Đông Nam Á chạy đua thu hút dân ‘du mục kỹ thuật số’.
Nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á đang mở rộng cửa cho dân “du mục kỹ thuật số" bằng cách cung cấp thị thực lưu trú dài hạn.
Khi bạn là một kẻ “du mục kỹ thuật số”, thế giới chính là văn phòng của bạn. Câu nói này đã trở nên quen thuộc trong những năm gần đây, cùng với xu hướng hình thành thế hệ những người thích sống xê dịch và làm việc trực tuyến.
Theo New York Times, nguồn gốc thường được trích dẫn của thuật ngữ này là từ một cuốn sách năm 1997, “Digital Nomad,” của Tsugio Makimoto, một nhà khoa học bán dẫn người Nhật Bản và David Manners, một nhà báo người Anh.
Cuốn sách dự đoán rằng những tiến bộ trong công nghệ truyền thông “sẽ khiến chúng ta độc lập về mặt địa lý với nhà cửa và văn phòng của mình,” dẫn đến “chủ nghĩa du mục não bộ” — chúng ta sẽ đi khắp thế giới để săn lùng thông tin và các mối quan hệ, giống như tổ tiên của chúng ta đã rình rập trên đồng bằng để săn mồi.
Phải đến năm 2007, một nhóm blogger mới bắt đầu quảng bá lối sống du mục kỹ thuật số và những tiềm năng của nó. Xu hướng này đã gắn kết văn hóa du lịch ba lô, kiếm tiền trực tuyến và các kế hoạch tối ưu hóa hạnh phúc của Timothy Ferriss, tác giả của cuốn sách "Tuần làm việc 4 giờ: Thoát khỏi công việc 9-5, sống ở bất cứ đâu và tham gia vào thế giới giàu có mới" được xuất bản vào năm 2007.
Với sự phổ biến của điện thoại thông minh, các gói dữ liệu chuyển vùng và du lịch hàng không giá rẻ, chiến lược mà Timothy Ferriss đề ra đã trở thành hiện thực.
Số lượng dân “du mục kỹ thuật số” đã tăng vọt cùng với sự gia tăng của công việc từ xa kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Các trung tâm du mục xuất hiện ở bất cứ nơi nào có chi phí sinh hoạt thấp giao thoa với chất lượng cuộc sống cao, thường là ở Đông Nam Á: Chiang Mai, Bangkok, Bali và thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành những điểm đến của dân du mục kỹ thuật số. Ngoài ra còn có các thành phố giá rẻ ở Châu Âu như Lisbon và Madrid.
Một cuộc khảo sát của trang web thông tin du lịch A Brother Abroad ước tính rằng có khoảng 35 triệu người “du mục kỹ thuật số” trên toàn thế giới vào năm 2022, với giá trị kinh tế của họ lên tới 787 tỷ USD. Dự báo cho thấy số lượng những cư dân mà thế giới chính là văn phòng của họ, sẽ tăng lên khoảng 60 triệu vào năm 2030.
Dân du mục kỹ thuật số được cho chi tiêu trung bình 22.500 USD mỗi người một năm. Con số này cao hơn thu nhập bình quân đầu người ở nhiều quốc gia Nam Á và Đông Nam Á.
Có lẽ vì vậy, Nikkei Asia cho hay nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á đang mở rộng cửa cho dân “du mục kỹ thuật số", cung cấp thị thực lưu trú dài hạn cho nhóm du khách có thể góp phần làm cho nền kinh tế địa phương sôi động hơn.
Sri Lanka, đang cân nhắc chính sách thị thực mới để đáp ứng nhu cầu của nhóm lao động này, với hy vọng thu hút thêm nhiều du khách hơn để giúp xây dựng lại nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2022 và bù đắp cho tình trạng thiếu hụt ngoại tệ.
Theo số liệu chính thức, du khách nước ngoài đến Sri Lanka đã tăng gấp đôi lên 1,48 triệu vào năm 2023, nhưng vẫn chưa trở lại mức trước COVID. Chính phủ bắt đầu cung cấp thị thực du lịch miễn phí vào năm 2023 cho du khách từ các quốc gia bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, và có kế hoạch mở rộng chương trình này vào tháng 10, lên hơn 30 quốc gia.
Thái Lan và Indonesia đã giới thiệu thị thực dành riêng cho dân “du mục kỹ thuật số” và gia đình của họ trong năm nay. Thị thực của Thái Lan cho phép lưu trú tối đa 180 ngày, có thể gia hạn thêm 180 ngày nữa và có hiệu lực trong 5 năm, trong khi Indonesia cho phép người sở hữu thị thực lưu trú tối đa một năm.
Malaysia, quốc gia đã triển khai loại thị thực này cho lao động công nghệ vào năm 2022, đã nới lỏng các yêu cầu vào tháng 6 năm ngoái, mở ra cơ hội cho các ngành khác như kế toán và luật.
Philippines đang cân nhắc việc đi theo xu hướng này với loại thị thực được thiết kế riêng. Một hội đồng cố vấn của tổng thống bao gồm các giám đốc điều hành ngành du lịch đã đưa ra đề xuất vào tháng 7, khuyến nghị đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh.
"Chúng ta cần cấp thị thực du mục nhanh chóng để thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày", Chủ tịch Tập đoàn LT Lucio Tan III, một thành viên của hội đồng cho biết. "Các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã được hưởng lợi từ cách tiếp cận này".
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất trên, và đã chỉ đạo các quan chức bắt đầu lựa chọn những quốc gia đủ điều kiện tham gia chương trình để chuẩn bị ban hành sắc lệnh hành pháp.
Dù có lo ngại rằng việc mở rộng thu hút khách du lịch quốc tế có thể dẫn đến nhiều tội phạm hơn, nhưng đây vẫn là một xu hướng được nhiều nước lựa chọn.
Ngoài chính sách thị thực dành riêng cho dân du mục kỹ thuật số, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với khách du lịch. Vào tháng 7, Thái Lan đã mở rộng chương trình miễn thị thực từ khoảng 60 nước lên 90 nước. Indonesia sẽ cho phép miễn thị thực cho 20 quốc gia vào tháng 10.
Thành Võ (Nguồn: Nikkei Asia; Nytimes)
Nhật ký trực tin ngày 21/9/2024
Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn
Sáng 21/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Thủy sản Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Tại Hội nghị, ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất 3 nhóm vấn đề, bao gồm việc mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.
Cùng ngày, Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Khánh thành Cung Thiếu nhi Hà Nội 1.300 tỷ đồng
Bộ Tổng tham mưu thông báo dừng diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam để tập trung khắc phục hậu quả bão số 3.
UBND TPHCM có văn bản cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã công bố khoản trợ cấp 3 tỷ đô la để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào việc nhập khẩu pin Trung Quốc. Gói này sẽ hỗ trợ các dự án tại 14 tiểu bang, phát triển cơ sở sản xuất và tái chế pin cũng như chế biến các khoáng sản quan trọng. Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một loạt khoản tín dụng thuế và các biện pháp khác để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh của Mỹ.
Qualcomm trong những ngày gần đây đã tiếp cận Intel để tìm hiểu khả năng mua lại nhà sản xuất chip đang gặp khó khăn này.
Con số trong ngày: 50.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, đây là kế hoạch đào tạo của Chính phủ đến năm 2030 nhằm phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Xem kế hoạch của Chính phủ tại đây.