Nhật ký trực tin: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng & danh sách người giàu nhất thế giới
Đấu giá biển số xe; Phạm Nhật Vượng; tỷ giá USD; vụ bắt cóc ở Việt Hưng; Lê Đức Thọ; Nguyễn Thanh Long… những từ khóa nằm trong xu hướng tìm kiếm tuần này cho thấy điều gì?
Weekend Briefing No. 2 (13/8 - 19/8/2023)
Nội dung chính:
Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng & giảm mạnh trong tuần đầu tiên Vinfast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ
Đấu giá biển số xe và biển số định danh
Vụ bắt cóc ở Việt Hưng gây chấn động
Tỷ giá USD
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Evergrande phá sản
Cháy rừng ở Hawaii
Dựa vào các từ khóa trong xu hướng tìm kiếm tuần này trên Google Trends (từ Chủ nhật, ngày 13/8 đến thứ Bảy, ngày 19/8/2023), tôi điểm lại một vài chủ đề nổi bật trên báo chí và mạng xã hội.
Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng & giảm mạnh trong tuần đầu tiên Vinfast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ
Dù là người giàu nhất Việt Nam, nhưng vốn khá kín tiếng nên hiếm khi nào ông Phạm Nhật Vượng trở thành tâm điểm trên truyền thông và mạng xã hội như tuần qua.
Ngày 15/8, cổ phiếu Vinfast niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq với mã VFS và chốt phiên giao dịch đầu tiên ở mức hơn 37 USD, tương ứng vốn hóa trên 85 tỷ USD.
Nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng kiểm soát hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành của Vinfast. Vì vậy, hàng loạt hãng truyền thông quốc tế cũng như báo chí trong nước đưa tin ông Phạm Nhật Vượng nằm trong danh sách 16 người giàu nhất thế giới, giàu nhất Đông Nam Á, với tài sản lên tới 74 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Vượng chỉ lọt vào “Top 16” những người giàu nhất thế giới trong một ngày. Sang ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa, khi cổ phiếu Vinfast rớt giá dần thì tài sản của ông Vượng cũng giảm theo. Tính đến ngày 18/8, giá cổ phiếu VFS là hơn 15 USD, tương ứng vốn hóa khoảng 35 tỷ USD. Lúc này ước tính tài sản của ông Vượng hơn 21 tỷ USD, xếp hạng 78 trong danh sách người giàu thế giới.
Sự bùng nổ của cổ phiếu Vinfast kéo theo sự bùng nổ bàn luận trên mạng xã hội. Nhưng, dường như báo chí trong nước và nhiều người không để ý rằng, bên cạnh biến động giá trị tài sản theo thời gian thực thì Forbes và Bloomberg - hai tổ chức công bố danh sách tỷ phú uy tín nhất, đang công bố danh sách dựa vào giá trị tài sản ròng (Net Worth Summary).
Ví dụ, Bloomberg Billionaires Index đang tính giá trị ròng của ông Vượng dựa vào tài sản của ông tại Vingroup và biến động của cổ phiếu Vingroup trên sàn chứng khoán Việt Nam. Qua đó xếp hạng ông Phạm Nhật Vượng ở vị trí 486 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới, với giá trị ròng 5,28 tỷ USD.
Về việc chưa tính giá trị tài sản của ông Vượng tại Vinfast, Bloomberg giải thích: Ông Vượng cũng kiểm soát 99% cổ phần của nhà sản xuất xe điện Vinfast. Công ty được niêm yết vào tháng 8/2023 trên Nasdaq sau khi hợp nhất với một công ty séc trắng (Blank check company). Với tỷ lệ cổ phần được giao dịch tự do của Vinfast hiện rất ít và biến động giá cổ phiếu, nên giá trị cổ phần của ông Vượng tại Vinfast hiện chưa được tính vào tổng giá trị tài sản ròng của ông ấy.
Tương tự, Forbes nêu rõ giá trị tài sản theo thời gian thực của ông Vượng ngày 19/8/2023 là 21,2 tỷ USD, xếp thứ 78 thế giới. Tuy nhiên, giá trị tài sản ròng của tỷ phú này là 4,3 tỷ USD, xếp thứ 636 thế giới.
Như thường lệ, các bàn luận về Vinfast và ông Phạm Nhật Vượng vẫn rất đa chiều. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có 3 ý kiến được nhiều người chia sẻ:
- Thứ nhất, việc niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ là một bước tiến lớn của Vinfast, mở ra nhiều cơ hội về thu hút vốn, nâng tầm thương hiệu.v.v..., và tất nhiên đi kèm với đó là không ít khó khăn, thách thức phía trước.
- Thứ hai, các giao dịch liên quan đến SPAC (hình thức niêm yết của Vinfast) trên sàn chứng khoán Mỹ những năm gần đây thường trải qua những phiên giao dịch bùng nổ ban đầu, rồi sau đó giảm mạnh và dần ổn định, trở về giá trị thực theo đánh giá của thị trường. Quá trình này thường từ 6 tháng đến một năm. Vì vậy nếu giá cổ phiếu của Vinfast biến động mạnh trong thời gian này thì không có gì ngạc nhiên.
- Thứ ba, với tham vọng thâm nhập thị trường Mỹ và xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện ở Mỹ, Vinfast sẽ phải nỗ lực rất lớn để thích ứng với văn hóa sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sẽ có rất nhiều khác biệt mà môt công ty nước ngoài không dễ dàng vượt qua. Cuối tuần này bạn nào có thời gian rảnh rỗi, có thể xem thêm phim tài liệu American Factory (Công xưởng Mỹ) để hiểu thêm.
Phim kể câu chuyện về một tỉ phú người Trung Quốc mở nhà máy tại bang Ohio và thuê 2.000 lao động Mỹ làm việc. Đây vốn là xưởng sản xuất của hãng General Motors và đã bị đóng cửa trong suy thoái kinh tế năm 2008. Tỷ phú Cao Dewang (chủ tịch Fuyao Glass, công ty sản xuất kính ôtô hàng đầu thế giới) hồi sinh nhà máy này và đưa việc làm đến cho người Mỹ. Nhưng ông và các cộng sự đã chứng kiến và phải nỗ lực rất lớn để giải quyết cuộc đụng độ văn hóa trong một nhà máy kiểu Mỹ do người Trung Quốc điều hành.
Đấu giá biển số xe và biển số định danh
Đây là hai từ khóa nằm trong xu hướng tìm kiếm tuần này. Nó phản ánh một thực tế là người Việt rất quan tâm đến các con số (số đẹp, số xấu) và cái biển số xe cá nhân.
Từ ngày 15/8, thông tư 24/2023 của Bộ Công an có hiệu lực quy định biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Đây không phải "dùng mã định danh cá nhân làm biển số" mà là cách quản lý theo mã định danh của chủ phương tiện.
Theo đó, biển 5 số người dân đang sử dụng sẽ mặc định là biển số định danh; còn biển 3 số, 4 số thì không phải biển định danh, người dân có thể tiếp tục sử dụng các biển số này hoặc đi đổi.
Biển số định danh gắn với mỗi cá nhân; khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ mới và phải nộp lại đăng ký, biển số cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Báo chí phản ánh trong những ngày đầu người dân đi làm thủ tục cấp biển số định danh, đã xuất hiện tình trạng cổng dịch vụ công trực tuyến liên tục bị nghẽn mạng ở nhiều địa phương.
Trong một diễn biến khác, Bộ Công an thông báo, phiên đấu giá biển số đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 22/8. Người dân có nhu cầu đăng ký tài khoản và nộp tiền hồ sơ để đấu giá trước 24h ngày 19/8.
Khá là hồi hộp khi nhiều biển số siêu đẹp nằm trong “kho số” đấu giá. Bạn đã sẵn sàng nộp 100.000 đồng phí hồ sơ và đặt trước 40 triệu đồng để tham gia đấu giá chưa?
Bạn nào quan tâm chủ đề này thì đọc thêm ở đây nhé:
Hé lộ danh sách biển số ô tô "siêu đẹp" trong phiên đấu giá đầu tiên


Vụ bắt cóc bé 7 tuổi ở khu đô thị Việt Hưng gây chấn động
Dân trí là báo đầu tiên đưa tin về vụ bắt cóc bé 7 tuổi ở khu biệt thự phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, vào sáng sớm ngày 15/8. Các tình tiết “như phim” của vụ việc đã được báo chí tường thuật kỹ càng.
Ban đầu kẻ bắt cóc khai không có công ăn việc làm, do thiếu nợ nhiều tiền nên lái ôtô gắn biển giả đi trộm ở khu biệt thự Việt Hưng. Không thực hiện được ý đồ, hắn chuyển hướng sang bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc, với số tiền lên đến 15 tỷ đồng. Về sau, cơ quan chức năng cho hay người bắt cóc bé trai là cảnh sát giao thông và đã bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân ngay sau khi xảy ra sự việc.
Đọc tường thuật trên báo về vụ bắt cóc, thấy rất thương cháu bé và cũng rất khâm phục cháu, mới 7 tuổi, trong hoàn cảnh bị đe dọa nhưng cháu đã ứng xử dũng cảm và thông minh. Cháu kể lại dù hoảng sợ nhưng không khóc. Hắn ta mua bánh mỳ nhưng cháu không ăn vì sợ có độc. "Lúc trên xe, chú ấy quát, bảo đọc số điện thoại bố mẹ nên cháu đọc số mẹ. Cháu rất sợ nhưng không muốn chú ấy bị kích động hay bực tức nên chỉ ngồi im”.
Khi khát nước, bé trai xin kẻ bắt cóc cho uống nước nhưng hắn không đồng ý. Khi được hỏi sao dám uống nước dù từ chối đồ ăn, người bố cho biết con anh nói "nhìn thấy tên bắt cóc uống được thì mình cũng uống được".
Tỷ giá USD
Từ khóa “tỷ giá USD” vào xu hướng tìm kiếm hàng ngày trên Google Trends hôm thứ Ba, 15/8. Cùng ngày, VnExpress đưa tin “Giá USD vượt 24.000 đồng”; còn Dân trí đưa tin “USD giao ngay lên cao kỷ lục, vượt 25.000 đồng”.
Đến cuối tuần thì giá USD đã quay đầu giảm, lùi về dưới 24.000 đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ
Chiều thứ Năm, 17/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát thông cáo về kỳ họp thứ 31. Theo đó, ông Lê Đức Thọ “đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, vi phạm của ông Lê Đức Thọ “đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và cá nhân đồng chí, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
Cùng ngày, từ khóa “Lê Đức Thọ” vào xu hướng tìm kiếm trên Google Trends và thu hút nhiều thảo luận trên mạng xã hội trong những ngày sau đó.
Ông Lê Đức Thọ 53 tuổi, quê Phú Thọ, là tiến sĩ quản lý kinh tế, làm việc nhiều năm ở Vietinbank và từng là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Ông làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre từ tháng 7/2021.
Báo chí đưa tin nội dung kết luận điều tra vụ Việt Á
Ngày 18/8, báo chí bắt đầu đưa tin nội dung kết luận điều tra vụ Việt Á và từ khóa “Nguyễn Thanh Long” xuất hiện trong xu hướng tìm kiếm.
Theo tin tức trên các báo, Việt Á bị cáo buộc chi 82 tỷ đồng hối lộ 6 quan chức. Trong đó, riêng cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng).
Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản
Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ trong tuần này. Công ty tìm kiếm sự bảo vệ theo Chương 15 Bộ luật Phá sản của Mỹ - quy định giúp các công ty nước ngoài trải qua tái cấu trúc khỏi bị các chủ nợ kiện.
Evergrande được cho đang có các khoản nợ lên đến 300 tỷ đô la, cho hay việc tái cấu trúc được tiến hành ở Hồng Kông và Quần đảo Cayman.
Trong diễn biến khác, Country Garden, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, cũng đang rơi vào khủng hoảng do các khoản lỗ và một số khoản thanh toán đến hạn.
Số người chết vì cháy rừng ở Hawaii đã vượt qua 100
Đây là thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ. Khoảng 1.000 người đang mất tích và hàng ngàn người bị đẩy vào cảnh vô gia cư.
Ngoài các nội dung theo xu hướng tìm kiếm hàng ngày trên, trong tuần này còn một số sự kiện đáng chú ý sau:
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và 18 người khác bị truy tố hình sự tại tiểu bang Georgia vì can thiệp kết quả bầu cử năm 2020 tại tiểu bang này.
Ông Trump đang là tâm điểm của ít nhất 4 cuộc điều tra hình sự. Ngoài cáo buộc can thiệp kết quả bầu cử tại tiểu bang Georgia, ông còn bị cho liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol ngày 6/1/2021; xử lý các tài liệu nhạy cảm của chính phủ mà ông mang theo khi rời nhiệm sở và che đậy một vụ bê bối tình dục trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Ông Trump luôn phủ nhận các cáo buộc.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã sa thải tất cả người đứng đầu các trung tâm tuyển quân địa phương trong chiến dịch truy quét tham nhũng. Hơn 30 quan chức phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì nhận hối lộ và đưa người ra nước ngoài để trốn nghĩa vụ quân sự.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn đầu tiên đã diễn ra vào cuối tuần này. Các nhà lãnh đạo ba nước đồng ý tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh. Ngoài việc họp cấp cao hàng năm, họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung và tạo điều kiện thuận lợi trong chia sẻ thông tin tình báo.
Chào các bạn, tôi là Thành. Tôi làm nghề báo và đây một số xu hướng tin tức trong tuần, tôi ghi chép lại vào mỗi thứ Bảy để phục vụ cho công việc của mình. Bạn nào muốn nhận ghi chép này để cùng với tôi nắm bắt và thảo luận về các xu hướng tin tức nổi bật hàng tuần thì đăng ký ở đây nhé. Tất cả đều miễn phí.
Xu hướng tin tức hàng tuần, gửi vào thứ Bảy mỗi tuần.
Đăng ký bằng email của các bạn là động lực để tôi làm tốt hơn việc của mình. Xin cảm ơn.