Người Hàn Quốc đã làm được!
Giải Nobel văn chương được trao cho một nữ tác giả thế hệ 7X đến từ xứ sở kim chi.
Tối hôm qua, sau khi Ủy ban Nobel công bố nữ văn sĩ người Hàn Quốc Han Kang được trao giải Nobel Văn chương 2024, anh bạn là Giám đốc một Nhà xuất bản nhắn tin cho tôi “Vậy là ô trống ảnh trên tường một nhà sách lớn ở Seoul không để trống nữa”.
Tôi hiểu là nhà sách này từ lâu đã chờ đợi một tác giả Hàn Quốc được giải Nobel gọi tên. Và có lẽ không riêng nhà sách này mà đó là sự chờ đợi rộng lớn hơn, ở tầm quốc gia.
Truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin về giải Nobel của Han Kang. Nữ văn sĩ nhận được sự tôn vinh trên khắp các diễn đàn trực tuyến của người Hàn vì tấm huy chương lịch sử, với tư cách là người đầu tiên của đất nước nhận giải thưởng văn chương danh giá.
Trong bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi đây là "thành tựu to lớn của lịch sử văn học Hàn Quốc và là cột mốc quốc gia mà tất cả người dân Hàn Quốc có thể ăn mừng". Khi ông Yoon phát biểu cảm nghĩ như vậy, có thể thấy ông không chỉ đề cập đến chiến thắng của một cá nhân, mà còn nhấn mạnh vào ý chí vượt lên chính mình của toàn bộ dân tộc.
Từ những vết thương sâu sắc trong lịch sử, Han Kang đã "biến những đau đớn thành các tác phẩm văn học tuyệt vời". Các tác phẩm của bà không chỉ tái hiện những nỗi đau cá nhân, mà còn là tiếng nói của một thế hệ đã chịu nhiều mất mát, những sự kiện chấn động đã định hình xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Người Hàn Quốc đã làm được!
Họ không chỉ chinh phục thế giới bằng văn hóa đại chúng, bằng “làn sóng Hallyu”, bằng K - Dramma, K - Pop K - Beauty, K – Food, K-Sport (thể thao Hàn Quốc có nhiều bộ môn đã đạt đến đẳng cấp Olympic), K - Game… Giờ đây họ chinh phục giải Nobel Văn chương!
Trong vòng mấy chục năm, người Hàn Quốc đã làm được hàng loạt cột mốc cho quốc gia của họ, điều mà thế giới thường gọi là “kỳ tích sông Hàn”.
Năm 2024 này cũng đánh dấu một cột mốc là thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc lần đầu tiên "vượt mặt" Nhật Bản. IMF dự báo GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm nay sẽ đạt 34.165 USD, cao hơn Nhật Bản ở mức 33.138 USD.
Đây là một cột mốc đáng tự hào của người Hàn Quốc, nếu nhìn lại bối cảnh lịch sử rằng Hàn Quốc (bao gồm cả Bắc Triều Tiên ngày nay) là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 đến năm 1945.
Một câu chuyện mà sách báo đã đăng rất nhiều. Tổng thống Park Chung-hee nói với lao động Hàn Quốc làm thuê ở Đức một đêm đông năm 1964: "Nhìn khuôn mặt rám nắng của các bạn, trái tim tôi tan nát… Các bạn trải qua những khoảng thời gian cố gắng này chỉ vì Hàn Quốc quá nghèo khó". Họ cùng khóc, hạ quyết tâm "Chúng ta phải làm phần việc của mình để xóa đói nghèo ở Hàn Quốc, để thế hệ sau không phải trải qua những gì chúng ta đang trải qua".
Nguyện ước "Làm thế nào một đất nước như Hàn Quốc, vốn không được chuẩn bị đầy đủ cho kỷ nguyên sắp tới, lại có thể giàu có như Đức bây giờ?" đã thành hiện thực chỉ 15-20 năm sau.
Người Hàn Quốc đã nói được, làm được!
Trông người mà ngẫm đến ta. Có lẽ không nên nói nhiều quá những đại ngôn xủng xoảng, mà hãy nói ít lại, làm nhiều hơn.
Võ Văn Thành