Mọi ánh mắt đổ dồn về Geneva
Xu hướng tích cực đến vào cuối tuần, khi Ấn Độ và Pakistan ngừng giao tranh. Trong khi đó, cả thế giới dõi theo cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Welcome to the weekend!
* Tổng thống Trump vừa thông báo trên Truth Social, vào sáng thứ Bảy theo giờ Mỹ, rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn. “Sau một đêm dài đàm phán do Hoa Kỳ làm trung gian, tôi vui mừng thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí NGỪNG BẮN TOÀN BỘ VÀ NGAY LẬP TỨC. Xin chúc mừng cả hai quốc gia vì đã sử dụng sự Thông Minh và Lý Trí Tuyệt Vời. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến vấn đề này!”.
Marco Rubio, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết Ấn Độ và Pakistan sẽ "bắt đầu đàm phán về một loạt các vấn đề tại địa điểm trung lập". Giao tranh giữa hai nước láng giềng Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân đã nổ ra sau một cuộc tấn công khủng bố ở Kashmir - khu vực do Ấn Độ quản lý vào tháng 4. Khi căng thẳng leo thang, Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan, trong khi nước láng giềng phủ nhận.
* Trong một diễn biến khác, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã đến Ukraine để thúc đẩy lệnh ngừng bắn 30 ngày, dự kiến bắt đầu vào thứ Hai tuần tới. Họ đã gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và đã có cuộc điện đàm với ông Trump, mà bộ trưởng ngoại giao Ukraine gọi là "có hiệu quả".
Trong tuần này:
* Hồng y Robert Francis Prevost, 69 tuổi, được Mật nghị Hồng y bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã vào ngày 8/5, trở thành Giáo hoàng thứ 267 và lấy tông hiệu là Leo XIV. Ông là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử.
* Ông Friedrich Merz trở thành Thủ tướng mới của Đức sau hai vòng bỏ phiếu ở Quốc hội.
* Nga tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít với 11.000 quân nhân tham dự. Khối quân đội của 13 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tham gia Lễ duyệt binh này. Nhận lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm.
Mọi ánh mắt đổ dồn về Geneva
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu tại Thụy Sĩ. Ông Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, và ông Hà Lập Phong, Phó Thủ tướng Trung Quốc, đang dẫn dắt các cuộc đàm phán. Đây là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai bên kể từ khi ông Trump áp thuế 145% lên Trung Quốc, và Trung Quốc đã đáp trả bằng mức thuế 125%. Vào thứ Sáu tuần này, ông Trump gợi ý rằng mức thuế 80% đối với Trung Quốc "có vẻ hợp lý".
Trước khi phái đoàn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau ở Geneva, thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh, đã mang lại tín hiệu đáng khích lệ cho các nhà đầu tư. Đây là thỏa thuận đầu tiên mà Mỹ đạt được với các đối tác thương mại kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu lên hầu hết nền kinh tế trên thế giới.
Theo các nhà phân tích, kỳ vọng về một bước đột phá trong cuộc gặp Mỹ - Trung ở Geneva dẫn đến việc giảm thuế quan là thấp. Phải mất nhiều tuần để Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý đàm phán, và dự kiến các cuộc thảo luận vào cuối tuần này sẽ xoay quanh việc xác định mong muốn của mỗi bên, cách đàm phán có thể tiến triển.
Tuy nhiên, thực tế là Bắc Kinh và Washington cuối cùng cũng đàm phán đã làm dấy lên hy vọng rằng căng thẳng giữa họ có thể được xoa dịu, và thuế quan cuối cùng có thể được hạ xuống. Tác động của các khoản thuế quan đã lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, định hướng lại chuỗi cung ứng và khiến các doanh nghiệp chuyển thêm chi phí cho người tiêu dùng.
Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: "Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế và tài chính lớn trong việc giảm leo thang căng thẳng thương mại, nhưng khó có thể đạt được sự hòa hoãn lâu dài".
“Tuy nhiên,” ông nói thêm, “việc hai bên ít nhất đang khởi xướng các cuộc đàm phán cấp cao cho thấy sự tiến triển đáng kể, mang lại hy vọng rằng họ sẽ kiềm chế lời lẽ và tránh xa các hành động thù địch công khai hơn nữa về thương mại và các khía cạnh khác trong mối quan hệ kinh tế của họ”.
Bitcoin trở lại mốc trên 100.000 USD và đứng thứ 5 trong số những tài sản có vốn hóa lớn nhất thị trường toàn cầu
Bitcoin đã giao dịch trên mức 100.000 USD vào giữa tuần này, lần đầu tiên trong ba tháng. Diễn biến được cho là hiệu ứng từ sự lạc quan của các nhà đầu tư với thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh. Đây cũng là động lực giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng.
Giá của đồng tiền điện tử lớn nhất này đã giảm xuống gần 74.000 USD vào đầu tháng Tư khi các mức thuế quan toàn diện của Tổng thống Trump gây ra đợt bán tháo mạnh trên thị trường toàn cầu, và khiến các nhà đầu tư lo ngại phải rút lui khỏi các tài sản rủi ro.
Việc Bitcoin tăng giá trở lại “cho thấy nhu cầu rất lớn đối với các tài sản kỹ thuật số, đặc biệt là Bitcoin”, nhà phân tích Cosmo Jiang của Pantera Capital cho biết. “Ngày càng có nhiều người mua xuất hiện trên thị trường. Chúng ta cũng đang chứng kiến lợi ích của tài sản kỹ thuật số là tính chất số hóa, không thể bị đánh thuế. Chúng cũng là một kho lưu trữ giá trị phi chủ quyền. Trong thời kỳ căng thẳng kinh tế, các tài sản kỹ thuật số phát huy lợi thế của mình”.
Mặc dù những người ủng hộ tiền điện tử lập luận rằng Bitcoin là một dạng "vàng kỹ thuật số," nhưng nó lại thường biến động cùng chiều với chỉ số S&P 500 trong những tuần gần đây khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi biến động do thuế quan.
Với mức tăng giá trên, vốn hóa Bitcoin đã vượt mốc 2.000 tỷ USD, leo lên vị trí thứ 5 trong top những tài sản có vốn hoá lớn nhất toàn cầu, vượt qua Google và Amazon.
(Nguồn: Bloomberg; Nytimes)
Hình ảnh lãnh đạo Việt Nam và Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong ‘Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại’

