Trong nhiều tháng qua tôi đấu tranh với chuyện nên nhuộm tóc hay không. Nghe thật tệ. Người ta đang đấu tranh vì hòa bình, vì trí tuệ nhân tạo, vì biến đổi khí hậu, vì những dự án khởi nghiệp lớn lao… Còn tôi soi gương và bối rối với mái tóc muối tiêu.
Tôi nhìn thấy những sợi tóc bạc đầu tiên của mình từ hơn 10 năm trước, khi ngoài 30. Nghề viết lách có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến tóc bạc sớm. Không phải ôn nghèo kể khổ, vì nghề mưu sinh nào chẳng nhọc nhằn, nhưng chân chạy phóng viên thời sự luôn gánh áp lực lớn. Việc đầu tiên mỗi ngày khi tỉnh giấc là nghĩ đề tài đăng ký với tòa soạn, đúng hơn là vò đầu bứt tóc nghĩ từ đêm hôm trước. Buổi sáng nhiều hôm đang ngon giấc thì sếp gọi hỏi đề tài, cứ phải đằng hắng vài phát cho thông giọng và mở cửa sổ để tiếng xe ồn ào ngoài đường lọt vào rồi mới trả lời điện thoại.
Chuyện nghề báo tôi sẽ kể sau. Quay trở lại với chuyện tóc tai. Những năm đầu tốc độ bạc chậm rãi, nên tôi không mấy khó xử. Thỉnh thoảng ra hiệu cắt tóc, có cô em gội đầu cứ đòi “anh để em nhổ cho”. Tôi không nỡ từ chối. Về sau khi số lượng tóc bạc nhiều dần lên, tôi đành tìm đến giải pháp đảo ngói: Nhuộm tóc.
Cho đến mùa hè năm nay tôi thấy giải pháp vậy khá phiền phức, vì tháng nào cũng phải mất thời gian nhuộm. Tôi tự hỏi mình: Sao không kệ nó nhỉ?
Thoát được việc nhuộm hàng tháng, tôi lại phải đối mặt với một áp lực khác khi mái tóc ngả màu nhanh. Đó là đi đâu cũng bị hỏi “sao dạo này tóc bạc thế?”, hoặc tế nhị hơn thì “ủa có chuyện gì” cùng ánh nhìn thông cảm lên mái đầu.
Cưới đứa em ở quê. Bàn tiệc rất nhiều món, nhưng “món chính” của mọi người vẫn là mái đầu bạc của tôi. Ai cũng hỏi thăm, thậm chí ái ngại giùm tôi. Thật không biết nên giải thích thế nào vì mới hôm Tết về tóc còn đen nhánh. Nhìn quanh các bác, các chú nhiều tuổi hơn cũng không đến mức mái đầu pha sương gió như mình, trong phút giây, tôi thầm ước đã nhuộm tóc trước khi đi ăn cưới. Quả là “nhuộm thì dễ, không nhuộm mới khó”! Khó ở đây là khó trong ứng xử với mọi người.
Dù sao, tôi quyết định sẽ tiếp tục “kệ nó”. Chấp nhận một thực tế là mình đang già đi.
Gần đây, có lẽ từ hiệu ứng mái tóc bạc mỗi buổi sáng nhìn vào gương, tôi nhạy cảm với những thông tin về tuổi tác và để ý thấy tòa soạn các báo lớn trên thế giới đang triển khai nhiều tuyến bài về già hóa dân số.
New York Times vừa đăng loạt bài trong dự án đặc biệt của Times Opinion về chuyện “Nước Mỹ đang già đi”. “Từ lâu, nước Mỹ đã được coi là một quốc gia trẻ - linh hoạt, sôi động và không ngừng đổi mới. Nhưng đến năm 2034, số người Mỹ trên 65 tuổi sẽ nhiều hơn trẻ em. Nước Mỹ sẽ không còn là một quốc gia trẻ nữa mà là một quốc gia già nua. Đã đến lúc chuẩn bị cho điều đó”, tờ Times nêu vấn đề.
Trong bài viết thể hiện quan điểm của Ban Biên tập, Times cho rằng thách thức mà đất nước phải đối mặt (già hóa dân số) vượt qua các vấn đề về hệ tư tưởng, địa lý và chủng tộc, và các nhà lãnh đạo Mỹ, bất kể đảng phái của họ là gì, cần phải đối đầu với vấn đề này ở mức độ khẩn cấp phù hợp. Loạt bài của New York Times nêu lên khuyến nghị chính sách; những xu hướng chuyển đổi cần thiết của các ngành công nghiệp, dịch vụ khi người già ngày càng nhiều hơn trong xã hội; làm sao để nơi làm việc, đường phố an toàn hơn người cao tuổi.v.v.
Không phải tự nhiên nước Mỹ lo lắng khi nhân khẩu học lên tiếng. Già hóa dân số đồng nghĩa với tình trạng thiếu lao động, năng suất giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhật Bản, nơi có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao nhất thế giới và phải vật lộn vì kinh tế đình đốn nhiều năm nay, đưa ra gợi ý về tương lai gần của nước Mỹ.
Cũng như cách New York Times nhìn về nước Mỹ, nhiều tháng gần đây South China Morning Post (SCMP) thường xuyên đăng tải các bài viết về chuyện già hóa dân số ở Trung Quốc. Năm 2022, dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau sáu thập kỷ, với tỷ lệ sinh toàn quốc xuống mức thấp kỷ lục.
Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc có gần 210 triệu người trên 65 tuổi vào năm ngoái, chiếm 14,9% dân số, tăng từ 200 triệu vào năm 2021, nghĩa là mỗi năm tăng thêm khoảng 10 triệu người trong độ tuổi này. Với tốc độ như vậy, Trung Quốc sẽ có thêm 100 triệu người cao tuổi trong thập kỷ tới, tương đương hơn 38% dân số trên 60 tuổi vào năm 2050. Điều này làm tăng thêm mối lo ngại về quỹ hưu trí, các cơ sở chăm sóc người già và dịch vụ y tế.
Chúng ta có thể hiểu được vì sao từ năm 2021, Trung Quốc nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép đẻ 3 con và nhiều địa phương của họ đã hứa trợ cấp cho các gia đình có 2-3 con.
The Economist thì mấy hôm trước đăng bài viết “Phần lớn châu Á đang già đi trước khi giàu có”. Bài báo đưa ra góc nhìn toàn châu lục, trong đó đề cập đến Thái Lan, đất nước gần gũi với chúng ta.
“Hãy xem xét Thái Lan. Họ đang già đi nhanh chóng. Vào năm 2021, tỷ lệ người Thái từ 65 tuổi trở lên đạt 14%, ngưỡng thường được sử dụng để xác định xã hội già hóa. Chẳng bao lâu nữa, Thái Lan, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và hầu hết các nước phương Tây, sẽ chứng kiến nguồn cung lao động suy giảm và nếu không có các biện pháp đặc biệt, năng suất và tăng trưởng sẽ giảm sút. Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản và phần còn lại, Thái Lan, với GDP bình quân đầu người chỉ 7.000 USD vào năm 2021, không phải là một quốc gia phát triển. Họ đã già trước khi trở nên giàu có. Khi Nhật Bản có tỷ lệ người già tương tự, nước này giàu hơn Thái Lan ngày nay khoảng năm lần”, Economist viết.
GDP bình quân đầu người của người Việt chỉ bằng nửa Thái Lan. Đây không phải sự so sánh. Đây là cảnh báo mang tên “già trước khi giàu”. Lão hóa nhanh và tăng trưởng chậm là phổ biến ở các nước đang phát triển. Tất cả đều phải chạy nhanh hơn nếu không muốn già nua và nghèo túng.
Có nhiều chuyện tôi nghĩ ngợi và muốn viết về tuổi 40+. Tóc đã bạc, tuổi đã giao mùa, dù chưa già nhưng không còn trẻ. Biết phải làm gì khi thời gian không chờ đợi ai.
Võ Văn Thành