Latte cuối tuần #9: Jensen Huang và triết lý sống ở hiện tại
Jensen Huang nói rằng ông ấy không đeo đồng hồ, vì “hiện tại là thời điểm quan trọng nhất”.
Các bài đọc tôi lưu lại tuần này bắt đầu từ chuyện CEO Nvidia không đeo đồng hồ, rồi chuyển qua việc Nhật Bản tìm cách thu hút các nhà đầu tư bằng quyền cư trú 5 năm; và Campuchia đang tiến tới dự án xây dựng kênh nối Phnom Penh với các cảng trên Vịnh Thái Lan.
Tỷ phú công nghệ Jensen Huang, người đang điều hành tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, được biết đến không chỉ với sở thích mặc áo da đen, quần jean đen và giày thể thao đen. Sở hữu tài sản được định giá khoảng 68 tỷ USD ở thời điểm hiện nay, Jensen Huang có lẽ là một trong số ít những người trên thế giới có thể mua bất cứ chiếc đồng hồ nào mà ông thích.
Nhưng Jensen Huang không đeo đồng hồ. Bài viết dài trên WSJ về Nvidia cho biết điều này và trích dẫn phát biểu của tỷ phú công nghệ, giải thích lý do không đeo đồng hồ vì cho rằng “hiện tại là thời điểm quan trọng nhất”, đặc biệt trong kỷ nguyên AI.
“Hãy cống hiến hết mình cho hiện tại. Tôi luôn sống ở hiện tại, tập trung vào nó và hiếm khi theo đuổi mọi thứ”, Jensen Huang nói.

Sự tập trung của Jensen Huang có lẽ là một trong những điều giúp Nvidia tập trung vào giá trị cốt lõi của tập đoàn và tăng trưởng nhanh chóng.
Nvidia, dưới sự lãnh đạo của Jensen Huang, đã đạt mốc vốn hóa 2 nghìn tỷ USD, chủ yếu nhờ sự bùng nổ kinh doanh do AI thúc đẩy. Hiện Nvidia giữ vị trí thống trị trong thị trường chip AI, với thị phần ước tính 80%. Tuy nhiên, hãng đang phải đối mặt với thách thức từ các đối thủ như Intel và AMD. Ngoài ra, một số khách hàng lớn nhất của Nvidia, bao gồm Amazon, Google và Microsoft, đang phát triển chip nội bộ của họ để tránh phụ thuộc quá lớn vào Nvidia.
Jensen Huang vẫn đang mài sắc sự tập trung vào hiện tại của mình, để đảm bảo vị thế của Nvidia. Nền tảng phần mềm CUDA của Nvidia đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự thống trị, bằng cách giúp các nhà phát triển tạo các ứng dụng AI mới trên GPU của hãng dễ dàng hơn. Hệ sinh thái này tạo ra rào cản với các đối thủ và tăng tính kết nối cho sản phẩm của Nvidia.
Khi Huang nói về tầm quan trọng của hiện tại, ông ấy không sao nhãng việc đảm bảo tương lai của công ty bằng việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp để đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh (robot, tự động hóa, chăm sóc sức khỏe…), đồng thời thúc đẩy việc áp dụng chip Nvidia trên toàn cầu. Hãy nhớ lại tour châu Á của Jensen Huang, mà một trong điểm đến là Việt Nam. Theo WSJ thì tỷ phú đang giới thiệu công nghệ của Nvidia với các chính phủ trên toàn thế giới để xây dựng cơ sở hạ tầng AI của riêng họ.
Ông đã kêu gọi các quan chức trên khắp thế giới giữ cơ sở hạ tầng máy tính và dữ liệu của họ ở địa phương, thay vì giao việc phát triển AI cho người ngoài - để xây dựng “AI có chủ quyền”, như ông đã gọi nó tại một hội nghị ở Dubai.
Tỷ phú công nghệ 61 tuổi cũng đang nỗ lực khuyến khích văn hóa khởi nghiệp trong tập đoàn, nơi 30.000 nhân viên của ông hành động như thể họ chỉ còn một tháng nữa là sẽ phá sản.
Nhật Bản đang trên đà thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ, theo Nikkie Asia. Dữ liệu kinh tế gần đây có thể không cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nhiều công ty Nhật Bản đang tăng lương cho công nhân của họ ở mức cao nhất trong nhiều năm.
Một trong những lý do chính cho việc tăng lương là tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở Nhật. Giải quyết vấn đề này là một thách thức lớn đối với nền kinh tế đã phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm và dân số già từ nhiều năm nay.
Vốn là một đất nước quản lý cư trú đối với người nước ngoài khá chặt chẽ, Nhật đã và đang mở cửa đối với lao động phổ thông và giờ đây là tìm cách khuyến khích các nhà đầu tư (doanh nhân) đến từ nước ngoài.
Nhà chức trách Nhật đã lên kế hoạch cấp quyền cư trú lên tới 5 năm cho các nhà đầu tư thiên thần (Angel investor), nhằm mang lại nguồn tiền cho các công ty khởi nghiệp. Thị thực cư trú sẽ áp dụng cho 13 đặc khu chiến lược quốc gia.
Điều kiện cư trú bao gồm kế hoạch đầu tư, hồ sơ theo dõi của nhà đầu tư và số lượng tài sản nắm giữ. Nội dung cụ thể của các quy định này, bao gồm cả ngưỡng đầu tư, sẽ được xác định sau.
Theo Mizuho Research & Technologies, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Nhật Bản đạt 270,6 tỷ yên (1,82 tỷ USD) trong năm tài chính 2018. Con số này cao hơn 2,3 lần so với năm tài chính 2014, nhưng vẫn kém xa mức tài trợ trị giá 14,4 nghìn tỷ yên ở Mỹ.
Tại Nhật Bản, nhiều công ty mới hoạt động trong tình trạng báo động đỏ ngay sau khi thành lập và đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Nhưng ở thung lũng Silicon (Mỹ), vấn đề này được giải quyết nhờ nguồn vốn của các công ty đầu tư mạo hiểm và các cá nhân giàu có.
Nhật Bản mong muốn tạo động lực cho đầu tư khởi nghiệp thông qua chương trình cư trú mới, được mô phỏng theo chương trình ở các quốc gia khác. Tại Hoa Kỳ, một nhà đầu tư nhập cư được cung cấp lộ trình trở thành thường trú nhân sau khi đầu tư 800.000 USD trở lên vào một khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 50% so với mức trung bình quốc gia.
Nước láng giềng của chúng ta, Campuchia đang tiến tới dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng một con kênh cung cấp tuyến đường ngắn hơn từ Phnom Penh đến các cảng của họ trên vịnh Thái Lan. Bài viết trên Nikkei Asia cho hay kênh Phù Nam – Techo có chiều dài 180km, tổng vốn ước tính khoảng 1,7 tỷ USD và sẽ mất khoảng 4 năm để xây dựng. Một tập đoàn Nhà nước của Trung Quốc đã khảo sát dự án này và có thể sẽ tham gia xây dựng.
Theo một số chuyên gia, dự án nếu thành hiện thực sẽ cho phép hàng hóa được vận chuyển đến và đi từ cảng Phnom Penh ra biển mà không cần phải trung chuyển qua Việt Nam. Tuy nhiên, tuyến giao thông đường thủy này có thể sẽ dẫn đến những tác động môi trường, không loại trừ ảnh hưởng tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Cảm ơn sự quan tâm của bạn. Hẹn gặp lại tuần tới. Bạn có thể follow tôi trên trên Facebook tại đây.