Latte cuối tuần #7: Taylor Swift, máy bay C919 và A.I
Những cuộc canh tranh đang diễn ra, từ thu hút siêu sao cho đến bán máy bay và trí tuệ nhân tạo.
Chào bạn. Tuần này một đồng nghiệp của tôi xin nghỉ phép 3 ngày để qua Singapore xem show của Taylor Swift. Tôi từng viết note ngắn đăng trên trang của mình về show diễn này, và biết sức nóng của nó, nhưng khi nghe chuyện bạn đồng nghiệp nghỉ phép thì mới cảm nhận được rõ hơn về độ hot của cô ca sĩ người Mỹ. Và cảm nhận Sing đã thành công như thế nào khi mời được Taylor Swift đến biểu diễn.
Kém miếng khó chịu. Philippines, Thái Lan… đã bày tỏ thái độ giận hờn khi hàng xóm nhanh tay chơi trội, không những mời Taylor Swift mà còn chi tiền để thỏa thuận độc quyền show diễn của nữ ca sĩ ở Đông Nam Á.

Một nghị sĩ ở Philippines thậm chí còn đề nghị Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu đại sứ quán Singapore giải thích về thỏa thuận trên, và gọi động thái của Singapore là “không phải những gì các nước láng giềng tốt nên làm”.
Dĩ nhiên phía Singapore cũng có lý do của mình. Suy cho cùng chẳng phải các quốc gia đang cạnh tranh về điểm đến hay sao, và ai vừa sẵn sàng hơn vừa chạy nhanh hơn trong cuộc đua thì tất yếu giành chiến thắng. The winner takes it all.
Bài viết trên báo Dân trí giải thích ngắn gọn và sáng rõ chiến lược của Singapore trong việc trở thành điểm đến, nơi đăng cai các sự kiện quốc tế lớn nhất khu vực.
“Tổ chức hội nghị, sự kiện, biểu diễn, triển lãm quốc tế (MICE) được chính phủ Singapore đưa vào chiến lược phát triển quốc gia, và được coi là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách từ 4 tỷ đến 7 tỷ USD hàng năm” (trích bài viết).
Singapore hiện nay có cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, đồng nghĩa công dân của họ có thể nhập cảnh không cần xin thị thực (visa) vào 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở góc nhìn này thì một quốc gia không phải lớn nhất, không phải hùng mạnh nhất mà bằng quản trị tốt cũng đã và đang khiến cả thế giới tôn trọng.
Một cuộc cạnh tranh ở lĩnh vực công nghiệp hàng không, tôi quan sát thấy trong một bài viết về máy bay thương mại C919 của Trung Quốc trên SCMP.
Hôm 26/2, tàu bay thân hẹp Comac C919 rời sân bay Changi sau khi trình diễn tại Singapore Airshow, và bay thẳng đến cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), hạ cánh lúc gần trưa.
Như vậy sau Singapore, Việt Nam là điểm đến nước ngoài thứ hai của C919 - máy bay được phía Trung Quốc xem là "động lực cho mô hình phát triển mới".
Thị trường hàng không dân dụng thế giới lâu nay bị thống trị bởi Airbus và Boeing. Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước) muốn thay đổi điều đó, và họ đang bắt đầu vươn ra khỏi thị trường nội địa bằng cách ve vãn Đông Nam Á.
Sau khi tham gia Singapore Airshow, C919 và ARJ21, hai máy bay dân dụng đầu tiên của Trung Quốc đều do Comac sản xuất, bay đến Việt Nam để tiếp tục chiến dịch tiếp thị và sau đó dự kiến sẽ có các chuyến bay trình diễn ở Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia.
Comac dự báo trong hai thập kỷ tới, số lượng máy bay chở khách dân sự trên thế giới sẽ tăng từ 24.264 lên 51.701 và tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, số lượng máy bay thương mại sẽ tăng từ 3.314 lên 9.701.
Chưa biết khi nào Comac sẽ có hợp đồng đầu tiên ở nước ngoài, nhưng chắc chắn là C919 đóng một vai trò quan trọng trong chính sách hướng tới tự lực của Trung Quốc trong bối cảnh phía Mỹ và châu Âu ngày càng siết chặt quản lý (hạn chế xuất khẩu) các công nghệ tiên tiến trong mọi lĩnh vực, bao gồm công nghiệp hàng không.
Cuộc canh tranh khác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang chứng kiến sự lên ngôi của Nvidia. Tuần qua, giá trị thị trường của hãng đã tăng 277 tỷ USD trong một ngày, mức cao nhất từ trước đến nay đối với một công ty. Với mức vốn hóa thị trường gần 2 nghìn tỷ USD, nhà sản xuất chip cao cấp dành cho A.I đã trở thành công ty Mỹ có giá trị thứ ba, sau Microsoft và Apple.
Ngược lại, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã mất 80 tỷ USD giá trị thị trường trong một ngày khi xảy ra tranh cãi về mô hình trí tuệ nhân tạo Gemini.
Google đã thông báo tạm dừng cung cấp chức năng tạo hình ảnh từ văn bản của Gemini để cải tiến, sau khi công cụ này tạo ra những bức ảnh lịch sử “không chính xác”. Sundar Pichai, CEO của Google, nói với nhân viên rằng Gemini đã “thể hiện sự thiên vị” và điều đó là “sai”.
Theo bài viết giải thích trên Economist, Gemini đã được lập trình để thể hiện nhiều sắc tộc khác nhau. Các công cụ tạo hình ảnh khác đã bị chỉ trích vì chúng có xu hướng hiển thị những người đàn ông da trắng khi được yêu cầu tạo ảnh về các doanh nhân hoặc bác sĩ. Google muốn Gemini tránh cái bẫy này; thay vào đó, nó lại rơi vào một bẫy khác, mô tả George Washington là người da đen và Giáo hoàng là một phụ nữ châu Á.
Trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo, Google đang chậm chân hơn OpenAI (công ty sở hữu ChatGPT), và có vẻ như khi nỗ lực để bắt kịp đối thủ thì họ đã bộc lộ điểm yếu của mình.
Gemini cần được sửa chữa, nhưng liệu Google cũng như vậy?
Một tin tức đáng chú ý khác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tuần qua là Elon Musk kiện OpenAI và CEO Sam Altman.
Trong đơn kiện nộp ở tòa án ở San Francisco hôm 29/2, luật sư của Elon Musk lập luận rằng, mối quan hệ chặt chẽ giữa OpenAI và tập đoàn công nghệ Microsoft làm suy yếu sứ mệnh ban đầu của công ty này là tạo ra nền tảng A.I mở, an toàn, vì lợi ích nhân loại và không phục vụ các ưu tiên của doanh nghiệp (chạy theo lợi nhuận).
Musk đã chung tay thành lập OpenAI vào năm 2015 nhưng rời công ty vào năm 2018 vì bất đồng về hướng phát triển. Một năm sau đó, OpenAI lập một đơn vị hoạt động vì lợi nhuận và nhanh chóng thu hút vốn đầu tư của Microsoft (sở hữu 49% cổ phần).
Elon Musk cũng đã lập công ty xAI và phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo Grok, tích hợp với mạng xã hội X do ông sở hữu. Như vậy động thái kiện OpenAI của của Musk, ngoài lý do nêu trên, thì sâu xa có lẽ cũng là một đòn nhằm vào đối thủ, khiến OpenAI ít nhất cũng thận trọng hơn trong việc phát triển ChatGPT.
Lĩnh vực xe điện nóng bỏng tuần qua chứng kiến sự rút lui của Apple. Chiếc xe mà Apple đã chi hàng tỷ đô la để nghiên cứu, từng được coi là đối thủ của Tesla, vốn có các tính năng lái tự động. Tuy nhiên ông lớn công nghệ được cho đã từ bỏ dự án phát triển ô tô điện để chuyển hướng tài trợ sang A.I, nhằm nhấn mạnh sự thay đổi các ưu tiên phát triển.
Sự chuyển hướng tập trung vào A.I của Apple hứa hẹn cuộc đua trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt hơn. Chưa biết gã khổng lồ nào sẽ người chiến thắng cuối cùng. Xin xem hồi sau sẽ rõ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã bổ nhiệm giám đốc A.I đầu tiên của mình. Jonathan Mayer, một nhà khoa học máy tính và luật sư, sẽ tư vấn cho Bộ các vấn đề thực thi pháp luật, quy định và pháp lý, đồng thời giúp phát triển một đội ngũ chuyên gia nội bộ về công nghệ.
Cuối cùng, tôi muốn giới thiệu một Podcast trong tuần này do tôi làm host. Cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), trong đó vị bác sĩ đồng thời là một đại biểu Quốc hội đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị.
Ông là trường hợp hy hữu ở Việt Nam hiện nay làm Giám đốc đồng thời hai bệnh viện lớn ở hai đầu đất nước: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Điều đáng nói là bác sĩ Hiếu đã giúp bệnh viện Bình Dương thay đổi tích cực trong thời gian ngắn, từ bệnh viện tỉnh tồn tại nhiều vấn đề trở thành một trong những đơn vị điểm sáng của ngành Y tế hiện nay.
Bác sĩ Hiếu không ngần ngại trả lời các câu hỏi khó, và ông tiết lộ hiện là một trong những bác sĩ có thu nhập nằm trong top 3 ở Đại học Y HN.
Xem bài viết và Podcast tại đây.
Cảm ơn sự quan tâm của bạn. Hẹn gặp lại tuần tới. Bạn có thể follow tôi trên trên Facebook tại đây.