Latte cuối tuần #6: Kỹ sư boomerang
Sinh viên tốt nghiệp Harvard, Oxford tạo sức mạnh cho khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam.
Năm mới Giáp Thìn chưa hết mùng, nhưng năm Dương Lịch đã quá nửa tháng 2. Chỉ còn hơn 10 tháng nữa là mọi người lại bước vào vòng quay đón Tết Nguyên đán.
Hôm từ quê ra Hà Nội, nhìn cành hoa đào năm ngoái đã bung nở, cánh rụng tả tơi dưới sàn nhà, tôi thoáng chút ngậm ngùi khi nghĩ về những bước chân âm thầm của thời gian. Vậy nên câu thơ tôi chọn làm tâm thế của bản thân trong năm 2024 này là “Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ” của Xuân Diệu.
Lan man một chút, trở lại với những nội dung đọc – nghe tuần này:
1) Sinh viên Harvard, Oxford tạo sức mạnh cho khởi nghiệp công nghệ Việt Nam
2) Tạo cầu nối Việt - Mỹ ngành AI và Y tế | Thắng Lương, Google & Wendy Nguyễn, Stanford IMEPR
3) Một chuyến đi Nhà trắng / ‘Kỹ sư tin tặc’ Dương Ngọc Thái
4) Người di cư Trung Quốc đổ xô đến biên giới Mỹ - Mexico vì áp lực kinh tế
5) Ai đang điều hành các gã khổng lồ trong ngành công nghiệp chip?
Trong tuần này biểu đồ thống kê trên Nikkei Asia “Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về tỷ lệ sinh viên đi du học” được chia sẻ nhiều trên Facebook.
Thống kê dẫn nguồn Unesco cho thấy Việt Nam có gần 150.000 sinh viên du học, trong khi nước đứng thứ hai ở Đông Nam Á là Indonesia chỉ có hơn 50.000 sinh viên du học (lưu ý dân số của Indonesia là hơn 273 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.600 USD).
Malaysia có khoảng 50.000 sinh viên du học, Thái Lan đâu đó 30.000 - 40.000, Philippines tương tự và Singapore ít hơn một chút.
Nếu thống kê trên là tương đối đúng thì có thể rút ra nhận xét gì?
· Người VN hiếu học và học giỏi nên dù dân số và thu nhập bình quân đầu người không ở trong nhóm dẫn dầu ASEAN nhưng lại dẫn đầu về số sinh viên du học?
· Chất lượng giáo dục trong nước chưa đáp ứng yêu cầu nên nhiều phụ huynh ráng cho con du học? Đi cùng với điều này là số ngoại tệ không ít chảy ra nước ngoài hàng năm.
· Với số lượng sinh viên du học đông đảo, VN có một nguồn lực chất lượng cao đáng kể trong tương lai gần?
Chủ đề chính của bài báo trên Nikkei Asia không phải về so sánh số lượng sinh viên du học ở các nước ASEAN, mà về chuyện sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng như Harvard, Oxford đang tạo sức mạnh cho khởi nghiệp công nghệ Việt Nam. Họ gọi đây là các kỹ sư boomerang, để chỉ làn sóng những bạn trẻ người Việt tài năng đã lựa chọn về nước làm việc sau khi tốt nghiệp một số trường đại học hàng đầu ở nước ngoài.
Việt Nam vẫn chưa tạo ra được những công ty khởi nghiệp như Gojek của Indonesia, hay Grab, Shopee của Singapore (Grab xuất phát từ Malaysia nhưng hiện đặt trụ sở chính ở Singapore), những startup có thể đưa thương hiệu của mình xuyên biên giới.
Tuy nhiên Việt Nam cũng đã có những startup công nghệ tạo được tiếng vang, trong đó có những thương hiệu đã đạt đến kỳ lân, như VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis, Tiki… Sinh viên người Việt tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng nước ngoài đang trở về làm việc cho các công ty này, hoặc tự mình khởi nghiệp. Họ tạo nên sức sống mới và cả những niềm hy vọng.
Cũng trong tuần này tôi nghe Podcast về hai gương mặt sáng giá người Việt đang ở Mỹ, là Thắng Lương (Google) và Wendy Nguyễn (Stanford IMEPR). Cuộc trò chuyện trên Podcast với hai bạn này là về chủ đề trí tuệ nhân tạo và y tế, nhưng đã trở nên thú vị hơn nhiều vì họ là vợ chồng, nên chúng ta có thể nghe được những chia sẻ không chỉ về chuyên môn mà cả chuyện tình duyên trên đất Mỹ của hai tài năng trẻ này.
Giới thiệu cho bạn nào chưa biết Thắng Lương hiện là nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, cựu Google Brain. Anh lấy bằng Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford vào năm 2016, trong thời gian đó anh đã đi tiên phong trong lĩnh vực deep learning cho dịch máy.
Tại Google DeepMind, Thắng Lương đã xây dựng các mô hình tiên tiến nhất về cả ngôn ngữ (QANet, ELECTRA) và tầm nhìn (UDA, NoisyStudent). Anh là người đồng sáng lập dự án Meena, dự án ra mắt chatbot tốt nhất thế giới vào năm 2020 (sau này trở thành Google LaMDA , Bard) và là nhà phát minh của LuongAttention. Thắng Lương đã đồng lãnh đạo việc phát triển Bard từ năm 2022 và là nghiên cứu viên chính của dự án AlphaGeometry (Nature, 2024) giải các bài toán hình học Olympic cấp độ IMO.
Có thể nói Thắng Lương là một trong những bộ não chủ chốt của Google đằng sau dự án trí tuệ nhân tạo (Bard hiện là Gemini), vậy nên nghe Podcast chúng ta biết thêm chiến dịch 100 ngày của Google trong việc tạo ra sản phẩm AI để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAi, cũng như tình thế lưỡng nan của Google khi sản phẩm cốt lõi của họ là cỗ máy tìm kiếm, và giờ đây họ đang phải tạo ra ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà nếu được dùng phổ biến thì có thể khiến người ra không cần đến cỗ máy search Google nữa.
Trong Podcast, Wendy Nguyễn nói về cơ hội cho các bạn học ngành y được đến nâng cao kiến thức, kỹ năng tại Trường Y khoa Đại học Stanford – cơ sở đào tạo về y khoa hàng đầu thế giới.
Cả Thắng Lương và Wendy Nguyễn đã và đang có nhiều dự án trong nước, và là hai hạt nhân tích cực trong cầu nối ngành AI và y tế Việt – Mỹ.
Một kỹ sư người Việt khác từng làm việc tại Google là anh Dương Ngọc Thái, được biết đến với biệt danh “Kỹ sư tin tặc”. Dịp nghỉ Tết tôi có đọc bài blog của anh Thái kể về chuyến đi đến Nhà Trắng của anh vào 29 tháng Chạp, gặp đại diện National Security Council (NSC) tức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ để bàn về an ninh mạng và AI cho Việt Nam. Cùng đi với anh Thái là anh Lê Viết Quốc, một nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Việt và là người tiên phong về máy học tại Google Brain.
Một điều tôi rút ra khi nghe và đọc các nội dung kể trên là Việt Nam không thiếu những người giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói riêng, và nhiều lĩnh vực khác nói chung (với số lượng sinh viên du học đông đảo nhất ASEAN). Nhiều người trong số này có kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức làm việc ở các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Họ đều tha thiết với quê hương và sẵn sàng đóng góp.
Vấn đề còn lại chỉ là làm sao thực sự đón bắt những boomerang này.
Lâu nay tôi thường hình dung những người đổ đến biên giới Mexico - Mỹ chủ yếu là người dân các nước Nam Mỹ, nhưng đọc bài trên Nikkei Asia thì mới biết có khá nhiều người từ Trung Quốc, và có cả người từ Việt Nam nữa (người từ Trung Quốc thì chắc chắn rồi, vì báo báo có câu chuyện, hình ảnh và số liệu thống kê, còn người từ Việt Nam thì không biết đúng không?).
Dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) cho thấy hơn 37.000 người di cư Trung Quốc đã bị giam giữ tại biên giới đất liền phía Tây Nam Hoa Kỳ vào năm 2023, gần gấp 10 lần so với con số năm trước đó. Công dân Trung Quốc chiếm 1,5% trong số 2,5 triệu người di cư mà nhân viên CBP gặp ở đó vào năm 2023.
Bài báo kể chi tiết hành trình của một gia đình từ tỉnh Sơn Đông qua nhiều quốc gia đến biên giới Hoa Kỳ, nêu bật những thách thức và chi phí liên quan. Cuộc hành trình bắt đầu khi họ nhập cảnh Thái Lan, nơi không yêu cầu thị thực đối với người Trung Quốc.
Từ Thái Lan, họ bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là Ecuador - một quốc gia khác không yêu cầu thị thực đối với du khách Trung Quốc. Họ vào Colombia bằng ô tô và đi tàu đến rìa Darien Gap, khu vực nối Panama với Nam Mỹ. Tổng chi phí cho hành trình vào khoảng 5.000 USD, trong đó riêng tiền đưa qua biên giới Mexico - Mỹ là 500 USD mỗi người.
Trong tuần qua, Nvidia đã đạt mức vốn hóa 1,8 nghìn tỷ USD, vượt qua giá trị thị trường của Amazon. Bài trên Economist cho hay AMD, một gã khổng lồ khác của ngành công nghiệp chip, đang nỗ lực cạnh tranh với Nvidia.
AMD đã ra mắt chip MI300X vào tháng 12/20234, với những thông số mạnh hơn 1,6 đến 2,4 lần so với H10 là chip AI hàng đầu do Nvidia sản xuất.
Giá trị vốn hóa của AMD hiện khoảng 270 tỷ USD, và công ty này do Lisa Su điều hành. Bà Lisa Su là một người Mỹ gốc Đài Loan, và là họ hàng với người đồng sáng lập kiêm CEO Nvidia Jen-Hsun Huang.
Jensen Huang, người vừa có chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái, cũng là một người Mỹ gốc Đài Loan. Ông ngoại của bà Lisa Su là anh cả của mẹ ông Huang.
AMD và Nvidia là hai công ty Mỹ. Ngành công nghiệp bán dẫn, chip chia ra nhóm các công ty foundry và fabless.
Fabless là các công ty có thiết kế bán dẫn, chip nhưng không tự sản xuất như AMD, Nvidia, Apple, Broadcom, Marvell, MediaTek, Qualcomm… Các công ty này thường tập trung thiết kế kiến trúc, phát triển chức năng, lo việc marketing và thương mại đối với sản phẩm. Khi cần sản xuất, họ sẽ kí hợp đồng với các công ty foundry.
Foundry là công ty sở hữu nhà máy sản xuất bán dẫn, chip. Dĩ nhiên đây là loại nhà máy công nghệ cao với những đòi hỏi khắt khe để đúc được các loại chip tiên tiến. Nhóm các công ty foundry điển hình có thể kể đến như TSMC, GlobalFoundries, UMC, SMIC, HuaHong Group…
Ngoài ra còn có nhóm các công ty như Intel, Samsung… vừa thiết kế chip vừa có năng lực sản xuất.
Trong top 10 công ty Foundry hiện nay có đến 4 công ty Đài Loan (TSMC, UMC, PSMC, VIS), còn top các công ty Fabless thì ít nhất có hai cái tên Nvidia và AMD như kể trên.
Tóm lại, những người Mỹ gốc Đài Loan và người Đài Loan hiện đang là những gương mặt chính vận hành các gã khổng lồ của ngành công nghiệp bán dẫn, đúc chip toàn cầu.
Cảm ơn sự quan tâm của bạn. Hẹn gặp lại tuần tới.