Dự báo xu hướng báo chí - truyền thông năm 2024
2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về doanh thu với báo chí, cho dù các sự kiện bầu cử, thể thao… trong năm có thể giúp tăng views.
Dự báo xu hướng báo chí - truyền thông năm 2024
Hollywood đã mất Trung Quốc
Chủ tịch Toyota dự báo doanh số ô tô điện sẽ chỉ chiếm 30% thị trường toàn cầu
Boeing đang phải trả giá
Công ty quan trọng nhất thế giới
Bài học từ những chiếc thuyền thúng Việt Nam
Xin chào, cảm ơn vì bạn đã ở đây. Vào Chủ nhật, tôi điểm vài nội dung đáng chú ý trong tuần để lưu lại và chia sẻ với mọi người.
Nếu muốn xem thêm, bạn click vào đoạn văn bản có gạch chân sẽ dẫn đến thông tin nguồn. Hãy để lại địa chỉ email để tôi có thể gửi trực tiếp tới bạn mỗi khi có bài mới nhé.
Dự báo xu hướng báo chí - truyền thông năm 2024
Bài dài trên báo Nhân dân, dịch từ một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, đề cập 8 vấn đề (sau dấu : là lời bình của tôi).
Thêm một năm thách thức cho báo chí: 2024 tiếp tục là một năm khó khăn về doanh thu với báo chí, cho dù các sự kiện bầu cử, thể thao… trong năm có thể giúp tăng views. Nguồn doanh thu quan trọng nhất trong tương lai của các tòa soạn là phí đăng ký và phí thành viên (80%). Nhưng với báo điện tử ở Việt Nam thì thu phí người xem vẫn là bài toán khó.
Sự chuyển đổi của mạng xã hội và màn kết thúc cho mô hình giới thiệu: Các mạng xã hội với sức mạnh công nghệ và sự năng động tiếp tục thu hút người dùng. WhatsApp sẽ trở thành một kênh cung cấp tin tức quan trọng. Ở VN thì WhatsApp không phổ biến và mô hình tạo kênh tin tức trên nền tảng thứ ba cũng không phổ biến.
Sẽ có thêm nhiều Audio và Video: Đây lại là điểm yếu (so với thế mạnh sản xuất tin văn bản truyền thống) của nhiều cơ quan báo chí ở VN.
Thêm thiết bị và trải nghiệm mới: Chưa ảnh hưởng nhiều đến VN vì thiết bị mới sẽ đắt đỏ, ít người dùng (ví dụ kính VR).
Ngắt kết nối và tránh tin tức có lựa chọn: Dần trở thành xu hướng đòi hỏi báo chí đa dạng hóa cách cung cấp tin tức sao cho thân thiện và thiết thực, hữu ích hơn với người xem.
“Tìm kiếm” trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo: Báo chí có cơ hội hợp tác với các công ty phát triển AI. Ở VN đây chưa phải vấn đề ưu tiên.
AI tạo sinh tiếp tục tác động lên các tòa soạn: Chuyện thế giới thôi, còn ở VN thì trong năm 2024 sẽ chưa có tác động gì đáng kể lên phần lớn các tòa soạn.
Kiểm soát tin giả do AI tạo ra như thế nào: Ngày càng phức tạp, khó lường trên thế giới cũng như ở VN.
Năm ngoái, không có phim Mỹ nào lọt vào Top 10 phòng vé Trung Quốc. “Barbie” và “Oppenheimer” gây sốt với phần lớn thế giới (Barbie không được chiếu ở VN), mang về tổng cộng 2,3 tỷ USD trên toàn cầu, song cả hai bộ phim đều không lọt vào top 30 phim phát hành hàng đầu quốc gia ở Trung Quốc trong năm 2023.
Đây là hiện tượng đáng kinh ngạc đối với các hãng phim Hollywood; Trung Quốc lâu nay là thị trường giải cứu cho sự sụt giảm doanh thu phim ảnh ở nước Mỹ. Năm 2012, 7 trong số 10 phim phát hành hàng đầu ở Trung Quốc đến từ Mỹ, và các công ty Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào ngành giải trí Mỹ. Các hãng phim Hollywood cũng cố gắng hết sức để ve vãn thị trường Trung Quốc, bao gồm việc sửa đổi kịch bản để thông qua ải kiểm duyệt.
Có vẻ như thời thế đã thay đổi. Người Trung Quốc vẫn xem phim Mỹ, nhưng họ xem các phim nội địa nhiều hơn. Khán giả Trung Quốc được cho đang thờ ơ với Hollywood vì những bộ phim trong nước ngày càng được cải thiện về chất lượng, và phản ánh các vấn đề cũng như giá trị xã hội của chính họ.
Chủ tịch Toyota dự báo doanh số ô tô điện sẽ chỉ chiếm 30% thị trường toàn cầu
Chủ tịch Toyota , Toyoda Akio, dự báo doanh số bán ô tô chạy hoàn toàn bằng điện sẽ chiếm 30% thị trường toàn cầu, phần còn lại được chia cho các loại xe hybrid, hydro và xăng.
Mr Toyoda lâu nay vốn nổi tiếng là ít lạc quan về triển vọng của xe điện. Có thể ông quá bi quan, song dự báo của người đứng đầu Toyota có lẽ cũng đáng tham khảo.
Bill Saporito, một nhà báo đưa tin về các hoạt động hàng không, lập luận rằng những vấn đề xảy ra với Boeing trong những năm gần đây, mới nhất là vụ “bung cửa”, xuất phát từ sự xáo trộn văn hóa doanh nghiệp theo hướng tăng tốc độ sản xuất và giảm chi phí.
Rất khó để đưa ra một kết luận đơn giản, và không chắc lập luận của Bill Saporito là đúng. Nhưng bài viết giúp người đọc hiểu thêm về ngành công nghiệp chế tạo máy bay ở Mỹ và phần nào những thay đổi gần đây của gã khổng lồ Boeing.
Công ty quan trọng nhất thế giới
Nicholas Kristof của Times nhận định rằng TSMC - Tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan - đang là doanh nghiệp quan trọng nhất thế giới. Đây là tập đoàn có thể gây ra suy thoái toàn cầu nếu ngừng sản xuất.
TSMC sản xuất khoảng 90% chip tiên tiến nhất trên thế giới. Nếu đèn tắt ở Tân Trúc, nơi TSMC đặt trụ sở chính, bạn có thể không mua được điện thoại, ô tô hoặc đồng hồ mới. Quân đội có thể cạn kiệt tên lửa dẫn đường chính xác và các bệnh viện có thể gặp khó khăn trong việc thay thế các máy X-quang và MRI. Tình trạng sẽ giống như sự gián đoạn chuỗi cung ứng chip do Covid-19, nhưng quy mô gấp 10 lần.
Trong một thế giới đang nóng lên không chỉ bởi biến đổi khí hậu mà còn vì “cọ xát” giữa các cường quốc, một công ty được cho là quan trọng nhất toàn cầu lại nằm ở một trong những nơi có vị trí địa lý “nhạy cảm” nhất: Đài Loan.
Bài học từ những chiếc thuyền thúng Việt Nam
Tuần này Nikkei Asia đăng bài của Andrew Benfield, nhà văn người Singapore, về những chiếc thuyền thúng ở miền Trung Việt Nam.
Thời Pháp thuộc, các nhà cai trị áp đặt thuế với tàu thuyền. Ngư dân không muốn đóng thuế nhưng họ cần phải ra khơi mưu sinh. Vì vậy họ chế ra những chiếc thúng tre khổng lồ, không thấm nước, vẫn ra khơi được nhưng không phải đóng thuế vì… không phải là thuyền.
Bài học là những khoảnh khắc sáng tạo nhất của con người nhiều khi đến từ bối cảnh sinh kế bị đe dọa. Khó khăn vì vậy có thể là chất xúc tác tốt cho chúng ta.