Latte cuối tuần #3: Mua vé số vào ngày nào thì dễ trúng?
Lâm Bội Minh - Nhà sáng lập Phúc Long; Chuyển động thị trường xe điện thế giới; và Mua vé số vào ngày nào thì dễ trúng... có trong latte cuối tuần này.
1) Hai triệu tỷ đồng và bài toán tăng trưởng
2) Lâm Bội Minh - Nhà sáng lập Phúc Long
3) Chuyển động thị trường xe điện thế giới
4) Trò chuyện với CEO của OpenAI và Microsoft
5) Thị trường sầu riêng Trung Quốc
6) Mua vé số vào ngày nào thì dễ trúng
Xin chào, cảm ơn vì bạn đã ở đây. Vào Chủ nhật, tôi điểm vài nội dung đáng chú ý trong tuần để lưu lại và chia sẻ với mọi người.
Nếu muốn xem thêm, bạn click vào đoạn văn bản có gạch chân sẽ dẫn đến thông tin nguồn. Hãy để lại địa chỉ email để tôi có thể gửi trực tiếp tới bạn mỗi khi có bài mới nhé.
Các chuyên gia kinh tế ít khi khen ngợi nhau. Nhưng tuần này khi Dân trí đăng bài viết “2 triệu tỷ đồng và bài toán tăng trưởng” của PGS.TS Phạm Thế Anh thì chuyên gia Phạm Sỹ Thành đã dẫn lại trên trang cá nhân, kèm nhận xét: “Giải thích dễ hiểu, quan điểm sắc sảo như anh Phạm Thế Anh ở Việt Nam chắc chỉ có mấy người”.
Bài viết đề cập đến một vấn đề “hơi bị vĩ mô” xung quanh dự kiến tăng trưởng tín dụng cho năm 2024 là 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được “bơm” vào nền kinh tế năm nay.
Nếu bạn quan tâm, có thể đọc chậm toàn bộ bài viết trên Dân trí, ở đây tôi tóm tắt 3 khuyến cáo của tác giả:
Khi tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng thì trước hết cần xem xét kỹ liệu vấn đề có phải xuất phát từ việc tắc nghẽn nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng hay không, hay là do bản thân nền kinh tế và doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ? Theo đó, không nên dồn ép chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quá cao. Mức độ cung ứng tín dụng cần tương đương với nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Về "giải cứu" thị trường bất động sản, cần xác định rõ phân khúc mục tiêu ưu tiên nhắm đến là nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở thực, bởi rằng, nhu cầu nhà ở của người dân hiện đang rất lớn.
Hiện nay trong quá trình xử lý các sai phạm, rất nhiều dự án nhà ở của các doanh nghiệp bất động sản đang bế tắc, trì hoãn. Theo đó, các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, giao đất, xác định giá đất,… cần được tập trung giải quyết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai. Bởi nếu không, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp vẫn mắc kẹt ở các dự án là điều rất lãng phí!
2. Lâm Bội Minh - Nhà sáng lập Phúc Long | Chìa khóa để xây dựng chuỗi Trà Việt thành công
Tôi nghe podcast cuộc trò chuyện của “cha đẻ” Phúc Long trong khi đi bộ ở công viên tuần này.
Đại gia bí ẩn Lâm Bội Minh ít khi xuất hiện trên truyền thông. Báo chí hầu như không có tấm hình nào của ông, cho dù thương hiệu trà, cà phê Phúc Long do ông dẫn dắt thì nổi tiếng đã lâu. Vì vậy việc ông xuất hiện trên Podcast, chia sẻ khá cởi mở về cuộc đời của mình là chuyện hiếm có.
Gia đình ông Lâm Bội Minh ở Lâm Đồng làm nghề trà, tuy nhiên khi còn nhỏ, ông không sống cùng ba mẹ mà lên Sài Gòn với bà ngoại để học phổ thông. Lớn lên, ông theo nghề truyền thống của gia đình, cũng như nhiều doanh nhân người Hoa khác.
Phúc Long thành lập cửa hàng bán lẻ đầu tiên năm 1968 tại số 134 đường Tổng Đốc Phương (bây giờ là đường Châu Văn Liêm, Quận 5, TPHCM). Đến đầu thập niên 80, thương hiệu ra mắt cửa hàng tự phục vụ tại số 63 Mạc Thị Bưởi (Quận 1), đánh dấu bước tiên phong trong mô hình này. Năm 2012, Phúc Long chính thức gia nhập ngành F&B sau khi khai trương cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở Quận 7 và dần nhân rộng mô hình.
Năm 2021, sự kiện “bắt tay” giữa Phúc Long cùng Masan trở thành thương vụ được chú ý, đánh dấu bước ngoặt của hãng trà, cà phê có tuổi đời hơn nửa thế kỷ này.
Ở tuổi xế chiều, vị doanh nhân vẫn tự tin có thể gây dựng được một thương hiệu mới, tương tự như Phúc Long, chỉ sau 5 năm. Tuy nhiên ông Lâm Bội Minh cho biết bản thân đã có thỏa thuận với Masan nên không thể mở công ty cạnh tranh.
Trong Podcast, ông trải lòng về tình yêu với trà Việt và tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những thương hiệu trà tầm cỡ thế giới nếu “biết cách làm”.
Ông đúc kết hai yếu tố cốt lõi làm nên thành công của một thương hiệu F&B là đội ngũ nhân viên và chất lượng sản phẩm. Phúc Long luôn tuân theo nguyên tắc này, không mở cửa hàng ồ ạt mà cửa hàng nào mở ra cũng phải chinh phục được khách hàng ngay, “các cửa hàng đều phải có lợi nhuận, không dựa vào chuỗi”.
Trong menu của Phúc Long, ông Lâm Bội Minh thích nhất là Lucky Tea. “Sản phẩm bán chạy. Khẩu vị rất đặc biệt. Tới nay chưa có ai copy được”, ông nói về loại trà yêu thích.
Mặc chiếc áo sơ mi trắng, quần Jean, ông Lâm Bội Minh trông trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 77. Những điều ông nói không hoa mỹ. Đó là những triết lý đơn giản mà sâu sắc đã được ông đúc kết sau một đời doanh nhân thành công hiếm có ở Việt Nam.
Nghe Podcast, tôi ước VN có nhiều hơn những thương hiệu trên 50 tuổi đời như Phúc Long.
Xe điện: Thị trường Mỹ chậm lại, trong khi Trung Quốc tăng tốc
Các công ty ô tô ở Mỹ đang cắt giảm sản lượng xe điện trong bối cảnh nhu cầu về loại phương tiện di chuyển này yếu đi. Đơn cử, Ford cho biết đang cắt giảm sản lượng xe bán tải F-150 Lightning. Năm ngoái, họ chỉ bán được 24.165 chiếc Lightning và lỗ khoảng 36.000 USD cho mỗi chiếc xe điện trong quý 3.
Hertz, gã khổng lồ cho thuê ô tô, cũng đang đáp ứng yêu cầu của khách hàng bằng cách bán khoảng 1/3 số xe điện trên toàn cầu của mình, dùng số tiền đó để mua thêm ô tô chạy xăng. Những người thuê ô tô chắc chắn đã đọc bản tin về hàng dài người lái xe ở Chicago không thể sạc xe điện vì pin tiêu hao điện nhanh hơn trong thời tiết lạnh giá.
Xem bài về thị trường xe điện ở Mỹ tại đây.
Trong tuần này, Panasonic Energy, nhà sản xuất pin cho xe điện của Nhật Bản và là nhà cung cấp chính cho Tesla, đã khởi công một nhà máy với tổng số vốn được cho lên đến 4 tỷ USD tại Kansas (Mỹ), trong nỗ lực trở lại vị thế nhà sản xuất pin cho xe điện hàng đầu của mình.
Nững năm 1990 và đầu những năm 2000, nhờ nghiên cứu của Akira Yoshino - nhà hóa học người Nhật Bản đoạt giải Nobel, Nhật Bản đã dẫn đầu thế giới về công nghệ pin lithium-ion, giúp các công ty như Panasonic, cũng như Sony và NEC trở thành những công ty dẫn đầu toàn cầu. Tuy nhiên, Panasonic hiện đang phải vật lộn để giữ vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng toàn cầu, sau CATL, BYD của Trung Quốc và LG Energy Solution của Hàn Quốc.
Với hàng ràng thuế quan và thói quen của người dân địa phương, sẽ không dễ dàng để xe điện Trung Quốc đổ bộ thị trường Mỹ hay châu Âu. Nhưng tốc độ cải tiến của các công ty Trung Quốc là rất nhanh. The Economist đúc kết một số yếu tố mang lại lợi thế cho các công ty Trung Quốc.
(i) Họ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. (ii) Họ thống trị việc sản xuất linh kiện quan trọng nhất của ô tô điện là pin. (iii) Và họ có thị trường nội địa rộng lớn, cho phép các công ty địa phương xây dựng nền tảng vững chắc ở quê nhà trước khi tiến ra thế giới.
Cuộc phỏng vấn của Tổng Biên tập The Economist với bộ đôi CEO Microsoft và OpenAI. Không có nhiều thông tin mới, nhưng bạn nào hứng thú với trí tuệ nhân tạo thì có thể xem tại đây.
Satya Nadella và Sam Altman đều tin tưởng AI sẽ mang lại nhiều việc làm hơn là phá hủy thị trường lao động, và trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) sẽ sớm ra đời dù chưa có thời gian cụ thể.
Bài trên SCMP: Trung Quốc là nước tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Thái Lan từng là nước dẫn đầu về xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, nhưng đang mất thị phần bởi các nhà xuất khẩu đến từ Việt Nam và Philippines.
Trung Quốc nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng trong năm 2023, tăng 69% so với năm trước.
Thái Lan từng chiếm gần 100% thị phần sầu riêng Trung Quốc vào năm 2021, giảm xuống còn 95,36% một năm sau đó và 67,98% vào năm 2023.
Việt Nam chính thức được cấp “visa” xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc theo đường chính ngạch từ năm 2022. Theo đó, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng từ mức gần 0 lên 4,63% thị phần, đạt 188,1 triệu USD vào năm 2022 và tăng vọt lên 31,82% trong 11 tháng của năm 2023, với tổng giá trị là 2,1 tỷ USD.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt doanh thu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong năm nay - tăng 55% so với năm ngoái.
Philippines chiếm 0,2% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2023.
Năm ngoái , Trung Quốc công bố trồng thành công vụ mùa sầu riêng nội địa đầu tiên trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thị trường nói “Nguồn cung không bao giờ đủ cho Trung Quốc”. Hiện tại, thị trường sầu riêng khá phát triển ở các thành phố cấp một và cấp hai, nhưng chưa phát triển ở các thành phố cấp ba, cấp bốn và cấp năm.
Mua vé số vào ngày nào thì dễ trúng?
Bà con ở miền Tây đang xôn xao chuyện một khách hàng trúng 11 tờ độc đắc của công ty xổ số kiến thiết Bạc Liệu. Sở dĩ xôn xao vì hình ảnh xấp vé số trúng giải và những cọc tiền được một tiệm vàng đưa lên mạng xã hội. Theo lý giải của tiệm vàng, không phải họ trúng độc đắc mà chỉ hỗ trợ giải ngân cho một khách hàng giấu tên.
Tổng số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết năm 2023 đạt gần 46.000 tỷ đồng, mức kỷ lục và vượt hơn 22% (hơn 8.300 tỷ đồng) so với dự toán Quốc hội giao. Đóng góp chủ yếu cho ngân sách từ hoạt động xổ số kiến thiết là 21 công ty xổ số ở phía Nam.
Xổ số kiến thiết “ích nước lợi nhà”. Và có vẻ như kinh tế khó khăn cũng là cơ hội của xổ số? Vì người mua nhiều hơn.
Trở lại với chuyện khách hàng trúng số kể trên, theo đại diện xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu thì công ty này đã trả thưởng cho khách trúng 11 tờ vé số đặc biệt ở Kiên Giang với tổng giá trị giải thưởng là 22 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế).
"Thời gian này, hằng ngày công ty đều trả thưởng cho 12 vé độc đắc. Hầu như ngày nào cũng có người trúng 12 tờ và họ đều đến lãnh, công ty đã trả thưởng đầy đủ", vị đại diện nói.
“Mua vé số vào ngày nào thì dễ trúng?” là tên một cuốn sách. Vấn đề hoàn toàn khoa học nếu nhìn theo góc độ xác suất thống kê, ứng dụng toán học vào cuộc sống. Tuy nhiên khi các công ty xổ số bán hết lượng vé phát hành mỗi ngày (hoặc gần hết) thì xác suất có khách hàng trúng độc đắc là xảy ra mỗi ngày. Nếu công ty xổ số bán không hết vé, vé độc đắc có thể nằm trông chỗ vé ế.
Vì hầu như ngày nào cũng có người trúng độc đắc nên mua vé số ngày nào cũng có cơ hội trúng, bà con nhé.