Latte cuối tuần #2: Nhấn nút tái tạo
Satya Nadella đã nhấn nút tái tạo Microsoft như thế nào, và chân dung Thủ tướng 34 tuổi của nước Pháp có trong ly latte tuần này.
Xin chào, cảm ơn vì bạn đã ở đây và xem nội dung hàng tuần của tôi. Để tiện xem thêm nếu muốn, bạn click vào đoạn văn bản có gạch chân sẽ dẫn đến thông tin nguồn. Hãy để lại địa chỉ email để tôi có thể gửi trực tiếp tới bạn mỗi khi có bài mới nhé.
Buổi sáng ngày 4/2/2014, Satya Nadella ra mắt hơn 100 nghìn nhân viên Microsoft với tư cách là CEO thứ ba trong lịch sử 40 năm của tập đoàn, sau Bill Gates và Steve Ballmer.
Những ngày này, vị CEO người Ấn Độ di cư sang Mỹ đã có thể kỷ niệm hành trình 10 năm của mình với tất cả sự tự hào.
Khi thị trường đóng cửa hôm thứ Sáu, Microsoft vượt qua Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới với mức vốn hóa 2.889 tỷ USD; Apple ở mức 2.887 tỷ USD.
Trong hơn một thập kỷ qua, Apple là ông vua không đối thủ trên thị trường chứng khoán. Quả táo lần đầu tiên vượt mặt Exxon Mobil để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới vào năm 2011 và giữ danh hiệu này gần như liên tục, chỉ bị gián đoạn trong thời gian rất ngắn.
Một kỷ nguyên công nghệ vượt trội đã đến khi Apple thay thế Exxon trên bảng xếp hạng. Giá trị của Apple, Amazon, Facebook, Microsoft và Google đã vượt xa các công ty dẫn đầu thị trường trước đây như Walmart, JPMorgan Chase và General Motors.
Nhưng ở trên đỉnh mãi cũng mỏi. Đến lượt Apple hụt hơi và Microsoft điền tên mình vào vị trí dẫn đầu.
Giới chuyên gia giải thích sự đổi ngôi trên với lý do đơn giản nằm trong hai chữ cái viết tắt: AI. Trí tuệ nhân tạo đã tác động đến tất cả các hoạt động kinh doanh của Microsoft, trong khi “Apple chưa có nhiều câu chuyện về AI” và đang đối mặt với nhu cầu yếu trên thị trường cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng điện thoại của Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nói đến thành công của Microsoft hôm nay không thể không nhắc đến tầm nhìn và sự dẫn dắt của Satya Nadella. Khi Satya Nadella trở thành CEO của Microsoft vào năm 2014, ông đứng trước hai cái bóng quá lớn là Bill Gates và Steve Ballmer. Đây cũng là giai đoạn một cơn lốc đang vần vũ trên đầu Microsoft khi số lượng máy tính cá nhân được bán ra - nguồn thu chủ lực của tập đoàn - bị sụt giảm.
Trong khi đó, số lượng điện thoại thông minh bán ra của Apple và Google trên đà tăng trưởng, dẫn đến nguồn thu từ các công cụ tìm kiếm và quảng cáo tăng mạnh. Đây là điều Microsoft không thể nào sánh kịp. Ngoài ra, Amazon đã thầm lặng khởi xướng dịch vụ Web Amazon, tạo dựng vị trí dẫn đầu trong mảng kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây thu về siêu lợi nhuận.
Cổ phiếu của Microsoft trên đà rớt giá.
Ngày đầu tiên trên vị trí CEO, Satya Nadella phát biểu với đội ngũ Microsoft thông điệp ngắn gọn: Lĩnh vực công nghiệp mà chúng ta đang hoạt động không tôn trọng truyền thống. Nó chỉ tôn trọng đổi mới sáng tạo. Đây chính là thách thức của tất cả chúng ta để đưa Microsoft xông pha vào một thế giới di-động-trước-hết và đám-mây-trước-hết.
“Chúng ta phải tự xác định xem thế giới sẽ mất mát điều gì nếu như Microsoft biến mất. Chúng ta cần phải tự hỏi, công ty chúng ta tồn tại để làm gì? Vì sao chúng ta tồn tại? Đây là thời điểm chúng ta khám phá lại linh hồn của mình - điều làm chúng ta khác biệt”, ông nói.
10 năm Satya Nadella dẫn dắt Microsoft để lại ít nhất ba bài học:
Một là, không đắm đuối với sản phẩm cốt lõi của công ty đến mức chết chìm vì chậm đổi mới. Vào đầu thập niên 2000, phần mềm Windows là thứ bất khả xâm phạm tại tập đoàn. Kết quả là Microsoft đã không khai thác được những thay đổi lớn trong công nghệ, chẳng hạn như sự xuất hiện của điện thoại thông minh và điện toán đám mây. Tập đoàn đã có thể dễ dàng đi theo con đường của Kodak hay BlackBerry.
Nhưng dưới thời của Satya Nadella, Microsoft đã vượt ra khỏi cách tiếp cận lấy windows làm trung tâm để tiến bước vào một số công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Ngày nay mọi người đều nói về AI nhưng Satya Nadella đã nói về chiến lược này từ cả thập kỷ trước.
Tầm nhìn của ông đã giúp Microsoft đầu tư vào OpenAI, công ty khởi nghiệp sẽ xây dựng chatbot Chat GPT; giúp Microsoft bổ sung AI vào các sản phẩm của hãng với tốc độ gây chóng mặt cho các đối thủ: thêm chatbot vào công cụ tìm kiếm Bing; đẩy AI vào hệ điều hành Windows, Excel, Outlook; cung cấp hệ thống của OpenAI cho khách hàng của Azure, sản phẩm điện toán đám mây hàng đầu của Microsoft…
Hai là, các doanh nghiệp không cần phải tự mình phát minh ra tất cả. Microsoft rất thành thạo trong việc tìm ra cách tổng hợp và bán các công nghệ được tạo ra ở nơi khác. Chẳng hạn, họ đã ra mắt “Copilots”, trợ lý trí tuệ nhân tạo, một sản phẩm kết hợp giữa OpenAI với mô hình kinh doanh điện toán đám mây do Amazon tiên phong.
Khác với Microsoft, nhiều gã khổng lồ công nghệ như Google, Amazon… bị ám ảnh bởi những gì tự phát minh và đã đổ nhiều tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu nội bộ, nhưng không phải tất cả đều cho quả ngọt. Chẳng hạn, màn hình ba chiều cho điện thoại thông minh của Amazon đã thất bại và việc áp dụng công nghệ quét lòng bàn tay tại các cửa hàng tạp hóa của họ tiến triển rất chậm chạp.
Ba là, cơ cấu quản trị với tư cách là một công ty đại chúng giúp tạo ra kỷ luật cần thiết để Microsoft kiềm chế các nhà sáng lập. Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta, được cho đã mất 40 tỷ USD để xây dựng giấc mơ thực tế ảo. Mark có thể làm điều này vì các loại cổ phần kép mang lại 61% quyền biểu quyết. Tương tự, những người sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, nắm giữ 51% quyền biểu quyết tại Alphabet, điều này giải thích tại sao công ty gặp khó khăn để phát triển vượt ra ngoài lĩnh vực tìm kiếm. Ngược lại, Apple và Microsoft không còn bị thống trị bởi những người sáng lập của họ nữa, và nhờ vậy có những đổi mới mạnh mẽ giúp tập đoàn trở nên có giá trị hơn rất nhiều trên thị trường.
Tạo ra một cuộc cách mạng ở Microsoft, nhưng Satya Nadella không đoạn tuyệt với quá khứ, cách lãnh đạo của ông là “nhấn nút tái tạo” - tên một cuốn sách do ông viết. Điều này giống như cách bạn nhấn nút Refresh trên trình duyệt để “làm mới” nền tảng cũ mà không phải là xóa nó đi. Cách tiếp cận này cũng là triết lý cuộc đời của Satya Nadella.
Vào sinh nhật lần thứ 21, Satya Nadella di cư từ Hyderabad Ấn Độ sang Mỹ để học thạc sĩ khoa học máy tính. Sau khi dừng chân ở Rust Belt và thung lũng Silicon, ông gia nhập Microsoft năm 1992 và lãnh đạo nhiều nhóm sản phẩm khác nhau trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO. Cuộc đời Satya Nadella là một hành trình của sự học hỏi, cảm thông sâu sắc đối với người khác bằng chính những trải nghiệm tự thân, bằng chính hoàn cảnh gia đình ông. Satya Nadella đem sự cảm thông vào những gì ông làm cả với tư cách cá nhân và cả trong công việc.
Microsoft là ví dụ hiếm hoi về một gã khổng lồ đã tái tạo thành công. Cùng chờ xem Satya Nadella sẽ mở ra những “cửa sổ” nào trong giai đoạn tiếp theo của Microsoft.
Đọc thêm bài viết về các bài học từ Microsoft tại đây.
Vào ngày 9/1/2024, ông Emmanuel Macron, người lên nắm quyền tổng thống nước Pháp vào năm 2017 ở tuổi 39, đã bổ nhiệm ông Gabriel Attal, 34 tuổi, làm thủ tướng. Tân Thủ tướng trở thành người trẻ nhất giữ chức vụ này trong lịch sử nước Pháp hiện đại.
Ông có cha là một luật sư, nhà sản xuất phim, mẹ ông cũng làm việc trong lĩnh vực điện ảnh. Gabriel Attal lớn lên dưới những khu phố rợp bóng cây ở Paris và được hưởng nền giáo dục ưu tú nhất của thủ đô nước Pháp (Ecole Alsacienne, đại học Sciences-Po, trường luật Assas).
Bắt đầu sự nghiệp chính trị ở Hạ viện, Gabriel Attal sau đó trở thành người phát ngôn của chính phủ, Bộ trưởng Bộ Hành động Công và Kế toán, rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Ông được biết đến là người thông minh, chăm chỉ, học hỏi nhanh và thực dụng. “Ông ấy sinh ra để làm một chính trị gia”, nhiều người nhận xét.
Tân Thủ tướng của nước Pháp là người đồng tính công khai. Ông từng kể việc bị bắt nạt ở trường vì giới tính của mình. Giờ đây vị thủ tướng trẻ có cuộc chiến đấu để không chỉ bản thân không bị bắt nạt, mà là vì vị thế của nước Pháp.
Tại Biển Đỏ, gần đây lực lượng Houthi đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, khiến hoạt động của tàu container qua kênh Suez bị cắt giảm đến 90% so với trước.
Tình trạng này gián tiếp làm cho nhiều mặt hàng trên khắp thế giới lên giá do các tàu container phải đi vòng xa hơn.
Một điểm nóng khác, Biển Đen đang đầy rẫy mìn và tàu chiến bị tê liệt giữa lúc chiến sự Nga - Ukraine vẫn diễn ra khốc liệt.
Khoảng 80% khối lượng thương mại và 50% giá trị hàng hóa trên khắp thế giới được vận chuyển bằng một đội tàu gồm 105.000 tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng chạy xuyên đại dương cả ngày lẫn đêm. Đây từng là một trong những biểu tượng của toàn cầu hóa. Nhưng có vẻ như đang có những cơn bão hình thành trên các đại dương sau nhiều thập kỷ yên tĩnh.
Kể từ năm 2006, Trung Quốc luôn xếp ở vị trí số một trong số các nước xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng tình hình đang thay đổi. Số liệu từ tháng 1 đến tháng 11/2023 cho thấy Trung Quốc chiếm 13,9% tổng nhập khẩu của Mỹ, trong khi Mexico đạt 15%.
Đây là kết quả được cho nằm trong nỗ lực của Mỹ định hình lại chuỗi cung ứng, thực hiện chiến lược "friend shoring" và “nearshoring”, khuyến khích chuỗi sản xuất dịch chuyển về các quốc gia thân thiện, gần gũi. Theo đó, nhiều công ty đã mở rộng xây dựng nhà máy tại các nước châu Á ngoài Trung Quốc, hoặc tìm đến Đông Âu hay Mexico, thực hiện mô hình “Trung Quốc +1”.
Tuy nhiên nếu đào sâu hơn dữ liệu, sẽ thấy rằng do quán tính đã hình thành hàng chục năm, các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào Trung Quốc mà khó dứt ra được ngay. Trong thực tế, nguồn hàng xuất vào Mỹ có thể đến từ Mexico, nhưng gốc gác thực ra là công ty thuộc sở hữu Trung Quốc đặt nhà máy tại nước này.
Theo đánh giá của Bloomberg, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phân mảnh vì sự đối đầu chiến lược giữa các ông lớn và quá trình tái định hình chuỗi cung ứng, nhóm 5 quốc gia đang dần giữ vai trò mắt xích quan trọng nhờ vị trí địa lý và khả năng thúc đẩy thương mại toàn cầu là: Mexico; Ba Lan; Marốc; Indonesia và Việt Nam.
Với tư cách một nhóm, những mắt xích này có tầm quan trọng vượt lên trên các số liệu kinh tế: Họ chiếm 4% GDP toàn cầu, nhưng thu hút hơn 10% FDI greenfield, tương đương 550 tỷ USD, tính từ năm 2017 (thuật ngữ chỉ công ty mẹ đổ vốn thiết lập các cơ sở hoàn toàn mới ở nước ngoài). Nhóm 5 quốc gia này đều có tăng trưởng thương mại với thế giới tăng cao hơn mức chung toàn cầu trong 5 năm qua.
“Có vẻ như các cường quốc kinh tế như Mỹ và Trung Quốc không phải đang tách rời nhau, mà chỉ là kết hợp lại ở những nơi khác mà thôi”, Bloomberg viết.
Gần đây, Bill Gates - một trong những người giàu nhất thế giới, có một sở thích mới gần với nghề báo, đó là thực hiện chuỗi podcast mà ông là host.
Ông giải thích:
“Bạn làm gì khi không thể giải quyết được một vấn đề? Tôi thích nói chuyện với những người thông minh, những người có thể giúp tôi hiểu một chủ đề nào đó tốt hơn. Tôi gọi quá trình này là “không còn bối rối” - và tôi nghĩ đó là một trong những cách tốt nhất để học điều gì đó mới”.
Cuộc trò chuyện mới nhất của Bill Gates là với Sam Altman. Bạn có thể xem bản Episode transcript tại đây.
The equalizer 3 (tựa tiếng Việt “Thiện ác đối đầu 3”) ra rạp từ tháng 9/2023, nhưng nếu bạn chưa xem phần 3 này và từng yêu thích hành trình của cựu đặc vụ Robert McCall trong hai phần trước thì có một tin vui, đó là phần 3 vừa được phát hành trên Netflix.
Bối cảnh phim diễn ra ở miền Nam nước Ý, tất nhiên có mafia Ý với những cảnh hành động tàn khốc, nhưng phim cũng mang lại cái kết đầy cảm xúc. Ông già gân Denzel Washington sẽ không phí hơn một giờ đồng hồ cuối tuần của bạn.