Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất
Các báo đồng loạt đăng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm trong ngày cuối tuần, nếu 4 nhóm công tác cấp bách để phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.
Chào các bạn. Chúc cuối tuần bình yên và tuần mới nhiều năng lượng tích cực.
Gần đây Bộ Chính trị đã ban hành ba nghị quyết phản ánh các ưu tiên của Việt Nam:
1) Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; ban hành ngày 22/12/2024
2) Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; ban hành ngày 30/4/2025
3) Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; ban hành ngày 4/5/2025
Và hôm nay, Chủ nhật ngày 11/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tựa đề "Động lực mới cho phát triển kinh tế", nhấn mạnh mục tiêu “sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm, thật sự trở thành động lực quan trọng nhất”.
Bài viết nêu 4 nhóm công tác cấp bách. Đầu tiên là triển khai quyết liệt, hiệu quả các công tác sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ hai, khẩn trương thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành pháp luật và bảo đảm thực hiện nghiêm minh trong toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân.
Việt Nam sẽ nghiên cứu xây dựng Luật phát triển kinh tế tư nhân và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương nêu tại Nghị quyết số 68.
Thứ ba, đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy phát triển xã hội có tư tưởng khởi nghiệp, khát vọng làm chủ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Trong nhóm công tác này, đáng chú ý là: Triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước. Dành quỹ đất ưu tiên 5-10% tại các khu công nghiệp công nghệ cao cho startup thuê với giá ưu đãi.
Mở rộng mô hình sandbox pháp lý toàn quốc, cho phép thử nghiệm thực tế với fintech, AI, nông nghiệp số trong khung thời gian bảo vệ pháp lý rõ ràng.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ doanh nhân thật sự trở thành "chiến sĩ" trên mặt trận kinh tế, tham gia thực chất trong hoạch định chính sách.
Mời bạn đọc toàn văn bài viết tại đây.
Khởi nghiệp tinh gọn với AI
Bài viết trên Bloomberg cho thấy ngày càng nhiều các công ty khởi nghiệp “có nền tảng AI” - các công ty được xây dựng ngay từ đầu với trí tuệ nhân tạo là trọng tâm của cả sản phẩm và hoạt động - đang khám phá ra rằng họ có thể làm được nhiều việc hơn với ít nhân sự hơn, so với những công ty khác.
Lex, một ứng dụng trợ lý viết được hỗ trợ bởi AI dành cho các chuyên gia, chỉ có ba nhân viên - và người sáng lập muốn duy trì như vậy, ngay cả khi công ty mở rộng quy mô. "Tôi thích ý tưởng duy trì quy mô nhỏ hơn theo thời gian để nhóm cốt lõi cảm thấy thực sự gắn kết", người sáng lập Nathan Baschez cho biết. "Bạn muốn một nhóm nhỏ những người phù hợp, thay vì nhiều người hơn".
Trong các cuộc phỏng vấn với hơn nửa tá nhà sáng lập AI, có hai chủ đề liên tục xuất hiện: Nhóm của họ cực kỳ nhỏ và sơ đồ tổ chức của họ lại bất thường.
Tại Daydream, một công ty khởi nghiệp về mua sắm thời trang vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhóm chỉ có vài chục người. "Nếu bạn muốn thành lập công ty này cách đây ba hoặc bốn năm, bạn sẽ cần nhiều người hơn thế nữa", đồng sáng lập Dan Cary, người đã dành hơn một thập kỷ tại Google, cho biết. Với trợ lý AI, ngay cả những thành viên nhóm không chuyên về kỹ thuật cũng có thể tự xây dựng nguyên mẫu, xóa nhòa ranh giới giữa các vai trò vốn theo truyền thống là riêng biệt. Daydream thường xuyên thử nghiệm 15 đến 20 ý tưởng sản phẩm song song - một tốc độ thử nghiệm mà Cary cho biết sẽ không thể thực hiện được nếu không có tự động hóa.
Tại Sailplane, một công ty khởi nghiệp xây dựng các tác nhân AI, tự động hóa bắt đầu từ cấp cao nhất. Lịch làm việc của CEO Sam Ramji được quản lý hoàn toàn bởi một trợ lý AI mô phỏng giọng điệu và khả năng phản hồi của người lập lịch. Công ty có 6 nhân viên và lên kế hoạch duy trì dưới 10 nhân viên cho đến cuối năm.
Ngay cả các công ty đã thu hẹp quy mô, như công ty khởi nghiệp quản lý email AI Shortwave, cũng cho biết họ đã làm tốt hơn. Nhà sáng lập Andrew Lee cho biết nhóm đã bị cắt giảm từ 15 xuống còn 6, một phần vì không phải ai cũng có thể tận dụng AI hiệu quả. "Chúng tôi cần tối ưu hóa nhóm của mình cho một số ít người có chức năng chéo cao, nơi chúng tôi có thể di chuyển cực nhanh", ông nói.
Có thể bạn quan tâm:
Tổng thống Trump ca ngợi tiến triển sau ngày đầu tiên đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Các nhà đàm phán cấp cao của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dành nhiều giờ họp kín tại Thụy Sĩ vào thứ Bảy để tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng về thuế quan.
“Hôm nay là một cuộc họp rất tốt với Trung Quốc, tại Thụy Sĩ,” tổng thống Trump nói trong một bài đăng trên Truth Social. “Nhiều điều đã được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí. Một cuộc thiết lập lại hoàn toàn được đàm phán theo cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng. Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, một sự mở cửa của Trung Quốc đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ. ĐÃ CÓ TIẾN BỘ LỚN!!!”.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đang dẫn dắt các cuộc đàm phán dự kiến kéo dài hai ngày tại Geneva. Đây là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên được công khai kể từ khi Washington áp thuế 145% đối với Trung Quốc, và Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 125%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi "đàm phán trực tiếp" với Ukraine, nhưng không trả lời tối hậu thư ngừng bắn của châu Âu . Trong một cuộc họp báo sáng Chủ Nhật, tổng thống Nga cho biết các cuộc thảo luận sẽ "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột". Ông đề xuất rằng chúng sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất là vào ngày 15 tháng 5. Sau đó, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, cho biết "Ukraine sẵn sàng gặp mặt" và đề nghị một lệnh ngừng bắn "hoàn toàn, lâu dài" sẽ bắt đầu vào thứ Hai.
Ấn Độ và Pakistan cáo buộc lẫn nhau về "vi phạm" vài giờ sau khi đồng ý ngừng bắn. Có báo cáo về các vụ pháo kích và nổ gần biên giới giữa hai nước mà mỗi bên đổ lỗi cho bên kia. Trước đó, ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết hai nước láng giềng Nam Á sẽ "bắt đầu đàm phán về một loạt vấn đề rộng lớn tại một địa điểm trung lập" (điều mà cả hai bên đều chưa xác nhận).
Hình ảnh cuối tuần:
Tân Giáo hoàng Leo XIV viếng mộ cố Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Rome (@Vatican Media).