Intel, từ gã khổng lồ chip đến nguy cơ bị thâu tóm
Thống trị lĩnh vực chip trong nhiều thập kỷ, Intel được biết đến với tư cách là công ty bán dẫn có giá trị nhất thế giới. Nhưng thời thế đã thay đổi.
Xin chào cuối tuần.
Mong rằng bạn đã có một ngày Chủ nhật bình yên. Tối nay bạn sẽ dành thời gian làm gì, với tôi thì đó có lẽ là bóng đá Anh và chuẩn bị công việc tuần tới.
Nhìn lại một tuần vừa trôi qua, tin tức kinh tế nổi bật nhất và được quan tâm, bàn luận trên khắp thế giới chính là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) - lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Có lẽ đa số chúng ta, trong đó có tôi, đều không hiểu rõ về quyết định này. May mắn là chúng ta có các nhà kinh tế, những người sẵn sàng ngồi xuống viết một bài giải thích cho công chúng.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến gần, một câu hỏi được đặt ra là quyết định của Fed có yếu tố chính trị hay không. Paul Krugman, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, viết trên Nytimes rằng:
Dù Paul Krugman và Nytimes được cho là “thiên tả”, chúng ta hãy thử xem quan điểm nhà kinh tế này đưa ra có thuyết phục không nhé.
“Theo một nghĩa nào đó, bạn có thể nói rằng quyết định cắt giảm lãi suất của FED vào thứ Tư không mấy quan trọng. Lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang kiểm soát trực tiếp là lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay tiền qua đêm. Thật khó để nghĩ đến việc một doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng nào đó sẽ thay đổi kế hoạch của họ, vì lãi suất hàng năm đối với khoản vay đã giảm nửa phần trăm, từ khoảng 5,5% xuống còn khoảng 5% - điều đó có nghĩa là nếu bạn vay 1.000 đô la, khoản hoàn trả của bạn vào ngày hôm sau sẽ giảm 1,4 xu”, Paul Krugman bắt đầu bài viết của mình.
Mặc dù bắt đầu bài viết với lập luận rằng mức giảm lãi suất lần này của Fed không có ảnh hưởng lớn tức thì đến người tiêu dùng hay doanh nghiệp, nhưng Paul Krugman gửi một tín hiệu quan trọng rằng lạm phát đã được kiểm soát.
Việc cắt giảm lãi suất đi kèm thông điệp rằng nền kinh tế đang "trong tình trạng tốt", hẳn sẽ có ích cho một ứng cử viên là thành viên của chính quyền đang điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, Paul Krugman bác bỏ quan điểm cho rằng đây là một quyết định chính trị, dù có thể có tác động chính trị, nhấn mạnh rằng lý do kinh tế cho việc cắt giảm lãi suất là rất rõ ràng.
Các lý do kinh tế của việc cắt giảm lãi suất được chỉ ra, bao gồm:
1. Lạm phát đã được kiểm soát: Fed tin rằng lạm phát đã giảm xuống gần mục tiêu 2% của họ, cho thấy cuộc chiến chống lạm phát đã thành công. Việc cắt giảm lãi suất được xem là cần thiết để ngăn chặn suy thoái kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
2. Thị trường lao động suy yếu: Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp, nhưng tình hình tuyển dụng đã chậm lại, và thị trường lao động không còn mạnh mẽ như trước đại dịch. Điều này cho thấy nền kinh tế đang giảm nhiệt, và việc cắt giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ việc làm.
3. Áp lực giảm rủi ro suy thoái: Mức lãi suất hiện tại được xem là cao so với tình hình kinh tế, và việc giảm lãi suất nhanh hơn sẽ giúp Fed "bình thường hóa" mức lãi suất, giảm nguy cơ suy thoái kinh tế trong tương lai.
4. Không có lập luận vững chắc để duy trì lãi suất cao: Các dự báo của ủy ban thiết lập lãi suất của Fed cho thấy mức lãi suất trung bình được dự đoán sẽ ổn định ở mức khoảng 2,9%, thấp hơn mức lãi suất hiện tại. Do đó, việc giữ lãi suất cao hơn 4% không được coi là cần thiết từ góc độ kinh tế.
“Không cắt giảm sẽ là chính trị. Và Fed đã không để mình bị bắt nạt để không hành động”, Paul Krugman kết thúc bài viết của mình.
Một chủ đề kinh tế khác được quan tâm trong tuần là Intel gặp khó khăn, và tin đồn về việc Qualcomm đang tìm hiểu khả năng mua lại gã khổng lồ chip này.
Tầm này năm ngoái, câu hỏi có hay không việc Intel "gác" kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam, chuyển dự án đến một nước châu Âu, được đề cập trên nhiều diễn đàn. Ý kiến ngược xuôi không rõ thực hư. Về phía Intel lúc đó, trong phát ngôn được dẫn lại trên VnExpress, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, tuy nhiên đại diện truyền thông Intel Việt Nam cho hay: "Sau lần điều chỉnh tăng vốn lên 1,5 tỷ USD hồi 2021, chúng tôi chưa công bố chính thức về một khoản đầu tư mới nào".
Với giá cổ phiếu giảm hơn một nửa trong năm nay, Intel cho biết họ sẽ tạm dừng việc mở rộng năng lực sản xuất chip tại Đức và Ba Lan trong hai năm, theo Nytimes. Công ty muốn tập trung vào việc đưa doanh nghiệp đúc chip của mình, nơi sản xuất bộ xử lý cho các nhà sản xuất chip khác, thành một công ty con độc lập.
Intel đã thống trị trong nhiều thập kỷ với tư cách là công ty bán dẫn có giá trị nhất thế giới, chip của công ty này gần như có mặt ở khắp mọi nơi trong máy tính cá nhân và máy chủ. Tuy nhiên gã khổng lồ đã không đứng vững. Bài phân tích trên WSJ nhận định rằng những bước đi sai lầm về mặt chiến lược, và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm suy yếu công ty bán dẫn có uy tín nhất của Mỹ.
Từ năm 2021, Intel đã mất đi một phần sức hút khi tụt hậu so với các đối thủ ở châu Á trong cuộc đua sản xuất chip hiệu suất nhanh nhất với bóng bán dẫn nhỏ nhất.
Khi chi phí tăng cao tại Intel, AI tạo sinh bắt đầu cất cánh. Sự bùng nổ đã chuyển nhu cầu từ bộ xử lý trung tâm của Intel sang "bộ xử lý đồ họa" từ Nvidia. Thiết kế khác biệt của Nvidia phù hợp hơn với việc triển khai các hệ thống AI tinh vi nhất. Khi các công ty công nghệ tìm mua chip AI khan hiếm của Nvidia, nhiều bộ xử lý của Intel vẫn nằm trên kệ.
Gần đây đã có thông tin Qualcomm đang tìm cách mua lại Intel. Vụ thâu tóm này vẫn chưa chắc chắn vì vấn đề pháp lý và nhiều rào cản khác. Dù sao ý tưởng về việc hãng chip điện thoại thông minh mua lại Intel gần như là điều không thể tưởng tượng được cách đây không lâu. Thời thế đã thay đổi rất nhanh.
Không phải là một chủ đề thời sự, câu chuyện về ý nghĩa của hạt gạo với người Nhật Bản thu hút tôi, vì sự gần gũi về văn hóa và chút lắng đọng cuối tuần.
Bài viết của nhà văn Kaori Shoji trên Nikkei Asia, ví von gạo đối với người Nhật cũng giống như rượu đối với người Pháp. Có lịch sử vùng miền và truyền thuyết thần thoại. Có ruộng lúa gia truyền và nghi lễ tôn giáo.
Ở Nhật, hơn 500 loại gạo khác nhau được trồng, mỗi loại có màu sắc, hương vị và kết cấu riêng biệt. Gạo gắn liền với DNA của Nhật Bản và tạo nên phần lớn bản sắc dân tộc của nước này.
Với nhiều người lớn tuổi, một bữa ăn không có cơm thì không phải là một bữa ăn -- thực ra, từ gohan trong tiếng Nhật có nghĩa là "cơm" và "bữa ăn
Truyền thuyết về gạo rất nhiều, ngay cả ở đỉnh cao của chuỗi ẩm thực Nhật Bản. Đầu bếp sushi năm sao Jiro Ono, chủ sở hữu nhà hàng Sukiyabashi Jiro ở Tokyo, đã từng nói rằng không đầu bếp nào có thể làm ra một đĩa sushi hoàn hảo nếu không nấu một nồi cơm hoàn hảo trước.
Trong nhiều thế kỷ trước khi đất nước mở cửa với phương Tây vào giữa thế kỷ 19, gạo là một loại tiền tệ. Các lãnh chúa và quan chức Samurai được trả lương bằng những túi gạo vì tiền mặt bị coi là bị vấy bẩn. Sau Thế chiến II, nông dân đã đổi gạo lấy đồ trang sức và kimono lụa.
Nhật Bản tự cung tự cấp 98% sản lượng gạo, chỉ nhập khẩu khoảng 67 tấn mỗi năm, chủ yếu từ Thái Lan, được tiêu thụ gần như hoàn toàn trong các nhà hàng. Vì nhiều lý do sản lượng gạo ở Nhật giảm trong những năm gần đây. Nhập khẩu gạo là một giải pháp được tính đến. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò liên tục cho thấy người Nhật Bản rất bảo thủ về loại gạo mà họ muốn ăn.
Các chuyên gia nông nghiệp tính toán rằng sản lượng có thể tăng lên bằng cách thay thế nông dân bằng robot, đưa máy tính vào kiểm soát lúa và chất lượng cây trồng. Nhưng vì gạo đi kèm với một ẩn ý cảm xúc to lớn, nên việc số hóa sản xuất gạo có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Việc xóa bỏ truyền thống có thể dẫn đến việc xóa bỏ sản phẩm, người Nhật lo ngại như vậy.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho “Latte cuối tuần” của nhà báo Thành Võ. Hẹn gặp lại tuần tới.