Hạnh kiểm của thị trường
Cũng là phim, nhưng cách thức “ra đời” của “Đào, phở và piano” là khác rất nhiều nếu so với “Mai”.

Trấn Thành đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để làm phim “Mai”. Lời ăn lỗ chịu. Đến nay doanh thu của bộ phim này được cho là đã chạm mốc 400 tỷ đồng. Giả sử con số này có hơi bơm thổi một chút, chỉ 2/3 số đó thôi thì chủ đầu tư cũng đã có thể mở sâm panh vì thắng lớn.
Chủ đầu tư của phim “Đào, phở và piano” là Cục Điện ảnh VN, với số tiền từ ngân sách Nhà nước là 20 tỷ đồng. Đây là phim đặt hàng nên không có chuyện lời ăn lỗ chịu, chỉ cần làm đúng luật và đúng ý chủ đầu tư. “Đặt hàng” không phải cách nói nôm na mà từ ngữ dùng theo Luật điện ảnh. Luật quy định ba hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước là: giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu.
Không biết có phải vì phim đặt hàng không mà cách thức “ra đời” của “Đào, phở và piano” là khác rất nhiều nếu so với “Mai”. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy đằng sau sự thành công của “Mai” là một chiến dịch quảng bá công phu. Trailer phim, poster phim, hình ảnh trong phim, KOL bình luận về phim.v.v.. tất cả đều được triển khai bài bản từ sớm, từ xa một vài tháng trước ngày phim ra rạp. Không phải tự nhiên mà mạng xã hội hay truyền thông “thường viết tên em như đại minh tinh đầu trang tin”.
Cũng dễ hiểu thôi vì “Mai” là phim thị trường, nếu mà thua - nghĩa là phòng chiếu vắng vẻ thì không chỉ thông điệp đạo diễn và các nghệ sĩ muốn truyền tải qua bộ phim coi như đổ sông đổ biển, mà vấn đề quan trọng hơn là chủ đầu tư có thể thua lỗ. Đồng tiền liền khúc ruột.
Còn phim “Đào, phở và piano” sau 10 ngày công chiếu mới có trailer đầu tiên; ban đầu chỉ định chiếu ở Trung tâm chiếu phim quốc gia nhưng về sau khi “ồn ào” thì mới có ý định mở rộng suất chiếu, và có hai đơn vị tư nhân nhận chiếu giúp. Ủa sao kỳ vậy? Chẳng lẽ phim được đầu tư gần cả triệu đô la, bao nhiêu công sức của đạo diễn, diễn viên và cả đoàn làm phim mà không muốn phủ sóng trên các kênh quảng bá và phủ sóng ở rạp chiếu hay sao? Lẽ nào phim làm ra chỉ để chiếu duy nhất ở một địa chỉ rồi cất kho?
Tôi không có câu trả lời vì không phải là chủ đầu tư. Chỉ biết rằng sau khi một Tiktoker giới thiệu về “Đào, phở và piano” trên kênh của mình thì bộ phim này mới được biết đến rộng rãi.
Cho dù là phim “đặt hàng” thì mục đích cuối cùng của một sản phẩm là được công chúng biết đến rộng rãi, được kiểm nghiệm bởi thị trường. Thị trường ở đây không phải một khái niệm chung chung mà là những con người, những khán giả, những công dân đóng tiền thuế.
Một nền điện ảnh thu hút khán giả mới thực sự tạo dựng được nền móng vững chắc. Phim không chịu hạnh kiểm của thị trường thì đâu có ai vào trong kho để xem.
Võ Văn Thành