Hàn Quốc với làn sóng K tiếp theo: 'Nền kinh tế bạc'
Sau văn hóa đại chúng, hàng hóa và dịch vụ dành cho người cao tuổi được dự đoán sẽ là xu hướng lớn tiếp theo của Hàn Quốc.
Xin chào cuối tuần.
Thấm thoắt 3 quý của năm 2024 đã trôi qua, chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm. Hà Nội đã vào cuối thu và đang trong những ngày tiết trời thật đẹp, nắng vàng, gió se lạnh vào sáng sớm.
“Latte cuối tuần” này phục vụ các bạn hơi muộn vì tôi có mấy việc bận. Các chủ đề của bài hôm nay gồm:
GDP quý III của Việt Nam
Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất: Bao giờ?
Dự án đường sắt tốc độ cao
Lịch sử Shinkansen
Tân Thủ tướng Nhật Bản – ông Shigeru Ishiba, là một người đam mê ngành đường sắt
Hàn Quốc trỗi dậy với làn sóng K tiếp theo: 'Nền kinh tế bạc'

Vào Chủ nhật này, Tổng cục thống kê đã công bố tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng của năm 2024. Tôi vừa xem mục tóm tắt các tin tức quan trọng của thế giới (The world in brief) trên tờ báo danh tiếng The Economist, khá ngạc nhiên khi thấy họ điểm tin tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tôi xem chuyên mục này khá thường xuyên và ít khi thấy họ điểm tin tăng trưởng GDP trong một quý của nước ta.
Đoạn tóm tắt về GDP Việt Nam trên The Economist như sau:
GDP của Việt Nam tăng 7,4% trong ba tháng tính đến cuối tháng 9 so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, các nhà phân tích dự báo mức tăng trưởng chỉ là 6,1%, do bị ảnh hưởng bởi tác động của Bão Yagi, khiến PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất) giảm lần đầu tiên sau 5 tháng. Tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam được hỗ trợ bởi mức đầu tư nước ngoài cao và nhu cầu xuất khẩu.
Mức tăng trưởng GDP khá cao của Việt Nam trong quý III cũng được đưa tin trên Nikkei Asia và Bloomberg.
Trong tuần qua câu chuyện giá nhà cao ở Hà Nội và TPHCM tiếp tục là chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội và báo chí.
Thông tin được nhiều người quan tâm là Bộ Xây dựng đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ này hoàn toàn đồng tình với đề xuất nêu trên của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên trên đây chỉ là các phát biểu trên truyền thông. Câu chuyện đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất không phải bây giờ mới nêu ra, song nhiều năm qua chưa cụ thể hóa thành chính sách. Việc đánh thuế cần phải sửa luật, đồng nghĩa phải có một dự thảo luật đưa vào quy trình (có thể là dự thảo Luật thuế Bất động sản) thì mới có cơ sở để nghĩ rằng việc này được khởi động nghiêm túc. Cho đến nay thì chưa có bất kỳ dự thảo luật nào như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng các chính sách đưa ra cần mang tính tổng thể, và nếu riêng chính sách thuế sẽ không toàn diện, mục tiêu cuối cùng không đạt được.
Xem thêm: Nghe áp thuế nhà đất chẳng mấy ai lo
Một chủ đề nổi bật khác trong tuần qua là dự án đường sắt tốc độ cao sắp được trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.
Thông tin về dự án cập nhật đến 6/10/2024:
Việt Nam đã nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với chiều dài 1.541 km; quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa.
Tốc độ 350km/h.
23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Tuyến bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024
Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 -2026.
Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang - TPHCM cuối năm 2027
Khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh-Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Vào dịp này, Nhật Bản đang kỷ niệm 60 năm ngày Shinkansen đi vào hoạt động. Bài dài trên CNN điểm lại sự ra đời và tác động của Shinkansen đối với ngành vận tải đường sắt toàn cầu.
60 năm trước, vào sáng sớm ngày 1/10/1964, một chuyến tàu màu xanh và trắng bóng loáng lướt nhẹ nhàng qua khu đô thị rộng lớn của Tokyo, đường ray trên cao đưa tàu về phía nam tới thành phố Osaka và ghi dấu vào lịch sử buổi bình minh của kỷ nguyên "tàu cao tốc" Nhật Bản.
Đây được coi là biểu tượng cho sự phục hồi đáng kinh ngạc của Nhật Bản sau Thế chiến II. Cùng với Thế vận hội Olympic Tokyo năm 1964, kỳ quan công nghệ của những năm 1960 này đã đánh dấu sự trở lại của Nhật Bản với vị thế hàng đầu trong cộng đồng quốc tế.
Trong sáu thập kỷ kể từ chuyến tàu đầu tiên, từ Shinkansen – có nghĩa là “tuyến đường trục mới” – đã trở thành từ đồng nghĩa được công nhận trên toàn thế giới về tốc độ, hiệu quả di chuyển và tính hiện đại.
Shinkansen không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước mà còn truyền cảm hứng cho các quốc gia khác như Pháp, Trung Quốc và nhiều nước khác phát triển các hệ thống đường sắt cao tốc.
Trung Quốc hiện là quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới; trong khi Pháp nổi tiếng với hệ thống TGV.
Tàu Shinkansen thế hệ mới đang thử nghiệm với tốc độ gần 400 km/h. Từ năm 1964 đến nay, hơn 10 tỷ hành khách đã sử dụng Shinkansen.
Tân Thủ tướng Nhật Bản – ông Shigeru Ishiba, là một người đam mê ngành đường sắt.
Văn phòng của ông trưng bày rất nhiều mô hình tàu hỏa thu nhỏ, máy bay và tàu quân sự, cùng một bộ sưu tập sách lớn.
Trong chiến dịch tranh cử vị trí Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào tháng 9, ông Ishiba, năm nay 67 tuổi, đã thu hút sự chú ý của cử tri bằng các bài đăng trên mạng xã hội, chia sẻ sở thích cá nhân về những chuyến tàu tuyệt vời, mì ramen ngon….

"Tôi thực sự yêu thích Izumo - Tôi đã đi tàu này 1.000 lần hoặc hơn," ông Ishiba, cho biết trong một bài đăng về Izumo, chuyến tàu đêm từng chạy giữa Tokyo và thành phố Izumo ở tỉnh Shimane. Chuyến tàu đi qua tỉnh Tottori, nơi có khu vực bầu cử của ông Ishiba.
Được biết đến với tên gọi Blue Train vì màu sơn đặc trưng, toa tàu sang trọng với những chiếc giường thoải mái này là "khách sạn di động" khởi hành vào ban đêm và đến nơi vào sáng hôm sau.
"Chuyến đi kéo dài 10 giờ đã đưa tôi ra khỏi thế giới bình thường", ông cho hay. "Đó là không gian riêng của tôi".
Bài đăng trên X (trước đây gọi là Twitter) về Blue Train của ông Ishiba đã thu hút hơn 10.000 lượt thích. Sau khi trở thành nhà lập pháp, ông đã sử dụng tàu hỏa để đi lại giữa Tokyo và khu vực bầu cử của mình ở Tottori. Những chuyến đi mang lại cho ông sự tĩnh lặng để đọc sách, thư giãn với vài ly đồ uống và nghỉ ngơi thoải mái.
Những chuyến tàu giường nằm được yêu thích của ông Ishiba đã được thay thế bởi tàu cao tốc Shinkansen, đường bộ cao tốc và hàng không. Một số toa tàu cũ đã được bán cho Thái Lan và Myanmar.
Izumo, tuyến tàu yêu thích của ông Ishiba, đã ngừng hoạt động vào năm 2006 và được thay thế bằng tuyến Sunrise Izumo. Là một trong những tuyến tàu có giường ngủ theo lịch trình thường xuyên cuối cùng, Sunrise Izumo vẫn tiếp tục thu hút khách du lịch và những người đam mê đường sắt.
Hàn Quốc trỗi dậy với làn sóng K tiếp theo: 'Nền kinh tế bạc'
Sau văn hóa đại chúng, hàng hóa và dịch vụ dành cho người cao tuổi được dự đoán sẽ là xu hướng lớn tiếp theo của Hàn Quốc.
Bài trên Nikkei Asia nêu ví dụ tiêu biểu là câu chuyện của Choi Soon-hwa, một người phụ nữ 81 tuổi đã chuyển hướng trở thành người mẫu sau khi trải qua nhiều năm làm công nhân và điều dưỡng. Bà Choi đại diện cho một thế hệ phụ nữ Hàn Quốc đầy nghị lực, đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và hiện tại đang tận hưởng một cuộc sống mới mẻ và độc lập.
Nền kinh tế cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi, được gọi là nền kinh tế "bạc" (silver economy) ở Hàn Quốc, dù chưa có quy mô bằng các nước láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng đang phát triển với giá trị dự kiến đạt 120 tỷ USD vào năm 2030.
Các lĩnh vực tiềm năng trong nền kinh tế này bao gồm du lịch, đào tạo nghề cho người cao tuổi, và dịch vụ pháp lý, tài chính. Các công ty tại Hàn Quốc đang dần thay đổi chiến lược, hướng tới phục vụ người cao tuổi như những người tiêu dùng chủ động, không chỉ tập trung vào dịch vụ chăm sóc như trước.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm việc Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và nhiều người cao tuổi phải tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu vì thiếu lương hưu. Mặc dù vậy, câu chuyện của bà Choi gửi gắm thông điệp tích cực về sự tự tin và độc lập ở tuổi già.