‘Đế chế’ Apple
Công ty có giá trị nhất thế giới được yêu mến và sợ hãi vì sự kiểm soát chặt chẽ mà họ duy trì đối với iPhone. Điều đó có thể kéo dài được bao lâu?
Chào bạn. Mong rằng bạn đã có một tuần nhiều niềm vui và nhiều năng lượng tích cực. Chúng ta lại gặp nhau qua trang viết này vào mỗi cuối tuần.
Dưới đây là một số chủ đề tôi quan tâm tuần này:
Trong khi Apple phát hành Iphone 16 trên toàn cầu và gây sốt tại Việt Nam, thì một bài báo công phu trên Bloomberg cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay.
Apple Inc. có giá trị 3,4 nghìn tỷ đô la, cao hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới. Với doanh thu năm 2023 gần 400 tỷ đô la, quy mô của Apple lớn gần bằng toàn bộ nền kinh tế của Đan Mạch hoặc Philippines. Và mặc dù hầu hết các hoạt động kinh doanh, xoay quanh việc bán iPhone, nhưng công ty cũng phát triển rộng hơn nhiều. Quý trước, doanh số bán hàng của Apple chỉ riêng từ các dịch vụ kỹ thuật số đã đạt 24,2 tỷ đô la, cao hơn tổng doanh thu của Adobe, Airbnb, Netflix, Palantir, Spotify, Zoom và X của Elon Musk.
Thật đáng kinh ngạc! Tuy vậy, những con số trên không nói hết được tầm ảnh hưởng và sức mạnh của công ty. Thông qua App Store, Apple kiểm soát chặt chẽ các nền tảng khổng lồ của truyền thông kỹ thuật số, tài chính di động, mạng xã hội, âm nhạc, phim ảnh, giao thông, tin tức, thể thao và hầu như bất kỳ thứ gì khác diễn ra trên điện thoại của người dùng.
App Store là hệ sinh thái chỉ dành cho các bên tuân thủ chính sách nghiêm ngặt của Apple, bao gồm tiêu chuẩn nội dung và mức phí. Khi tiền đi qua hệ thống này, theo thường lệ, Apple sẽ nhận được tới 30%. Mỗi lần bạn vẫy iPhone hoặc Apple Watch của mình vào đầu đọc tín dụng trong thế giới thực, Apple cũng sẽ nhận được một khoản phí từ các giao dịch đó.
Rất khó để thoát khỏi việc phải trả cái được gọi là "thuế Apple". Một phần là vì khách hàng của Apple rất trung thành, nhưng cũng vì thực sự chỉ có một cửa hàng ứng dụng điện thoại thông minh khác, trên nền tảng Android của Google, và nó áp dụng các khoản phí tương tự. Ngay cả Google cũng trả tiền cho Apple, chuyển một phần doanh thu quảng cáo mà họ tạo ra trên iPhone như một phần của thỏa thuận giữ Google là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt web di động của Apple. Các khoản thanh toán đã lên tới 20 tỷ đô la mỗi năm.
Không thể phủ nhận rằng Apple đã thay đổi thế giới công nghệ và tái định nghĩa nhiều thứ chúng ta dùng ngày nay, bao gồm máy tính và điện thoại thông minh, đưa công nghệ thành công cụ của sự sáng tạo và cá nhân hóa.
Việc công ty kiểm soát nhiều mảng quan trọng như iPhone, App Store, Apple Music và các dịch vụ kỹ thuật số khác, mang lại doanh thu khổng lồ và sự phụ thuộc của người dùng vào hệ sinh thái khép kín. Nhưng từ chỗ là một công ty được yêu mến, Apple trở thành thế lực thống trị với chính sách kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái của mình và mức phí bị cho quá cao. Hãng đối mặt với nhiều vụ kiện cáo.
Trong mắt nhiều người, Apple đang trở thành “Big Brother” giống như hình ảnh mà họ từng phê phán trong quảng cáo năm 1984.
Mặc dù Apple vẫn tiếp tục giữ vị trí thống trị trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng công ty đang mất dần bản sắc sáng tạo, và tự hỏi rằng sự thống trị của Apple sẽ còn kéo dài được bao lâu?
Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản
Năm nay 67 tuổi, ông Shigeru Ishiba sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng dân chủ tự do (LDP).
Shigeru Ishiba sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị. Cha của ông, Jiro Ishiba, cũng là một chính trị gia, từng giữ chức bộ trưởng nội vụ và thống đốc tỉnh Tottori, miền tây Nhật Bản.
Ông Shigeru Ishiba làm việc tại Ngân hàng Mitsui (nay là Sumitomo Mitsui Banking Corp) trong khoảng 4 năm, và bước vào chính trường lần đầu tiên vào năm 1986 khi được bầu làm thành viên hạ viện.
Chính trị gia được nhận xét có tính cách thẳng thắn này từng giữ vị trí Bô trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản. Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký LDP, vị trí số 2 trong Đảng.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Shigeru Ishiba đã tranh cử chức chủ tịch LDP 4 lần, từ năm 2008 đến năm 2020, nhưng phải đến lần tranh cử thứ 5 thì mới giành chiến thắng.
Trên trang web chính thức, Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản công bố các chính sách ưu tiên, cụ thể như chuyển sang nền kinh tế định hướng theo nhu cầu trong nước; đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc về tài nguyên và năng lượng bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên phong phú dưới đáy biển; kích thích tiêu dùng bằng cách tối ưu hóa tiền lương và hỗ trợ những người có thu nhập thấp và những người đang nuôi con nhỏ; triển khai các biện pháp chống suy giảm dân số…
Ông chia sẻ tầm nhìn tiếp tục xây dựng Nhật Bản trở thành một đất nước độc lập, an toàn và vững chắc; thành lập Bộ Phòng chống Thiên tai…
Trong đời thường, ông Shigeru Ishiba cho biết sở thích của mình là nấu ăn (ông tự tin về món cà ri), đọc sách (đặc biệt là Soseki, Ogai, Yasushi Inoue, Hiroyuki Itsuki và Harutoshi Fukui) và bơi đường dài.
“Món ăn yêu thích của tôi là cà ri (tôi đã ăn cà ri trong bốn năm khi còn học đại học) và bánh khoai tây chiên”.
Ông cũng tiết lộ rằng mình thích tất cả các thể loại âm nhạc, từ nhạc cổ điển đến nhạc enka, nhưng đặc biệt thích nhạc của các nhóm nhạc thần tượng giới trẻ trong thập niên 70 (nhất là Candy và Minami Saori), nhạc mới như Yumin và Shozo Ise.
Ông cũng thích manga (các loại truyện tranh và tranh biếm họa của Nhật Bản), và rượu sake (khô), rượu vang (khô).
Ngoài ra, ông còn là một người có sở thích mãnh liệt (otaku) với tàu hỏa. Việc chia sẻ sở thích cá nhân giúp ông được nhiều cử tri yêu mến.
Ông đã viết nhiều sách, chủ yếu về các chủ đề liên quan đến quân sự.
Trên kênh YouTube của mình, ông Ishiba nói về nhiều chủ đề khác nhau, từ chính trị và sự nghiệp đến sở thích, chẳng hạn như nhạc cổ điển, nhằm mục đích kết nối trực tiếp với cử tri.
Ông đã kết hôn và có hai cô con gái.
Khi Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, muốn quảng bá cho Blue Origin, công ty tên lửa của mình, ông đã không nhờ đến kênh truyền hình hay báo chí, như ông có thể đã làm cách đây một thập kỷ. Thay vào đó, ông đã mời Tim Dodd, người điều hành một kênh YouTube có tên “The Everyday Astronaut”, đến tham quan nhà máy và có cuộc trò độc quyền độc quyền với ông. Hai người đàn ông dành một giờ để chiêm ngưỡng các bình chứa hydro và thảo luận về những điểm tinh tế của máy bơm tua bin động cơ tên lửa. Kết quả video có 1,6 triệu lượt xem.
Ngày nay các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube đang thách thức các nền tảng truyền hình lớn như Netflix và Disney. YouTube đang phục vụ 2,5 tỷ người xem mỗi tháng. Nội dung trên nền tảng này được sản xuất bởi những người làm phim nghiệp dư, với chi phí thấp nhờ công nghệ hiện đại, từ máy quay chất lượng cao đến phần mềm chỉnh sửa video mạnh mẽ.
Trong khi các nền tảng truyền thống yêu cầu quy trình sản xuất phức tạp và tốn kém, YouTube cho phép bất kỳ ai tải lên video và kiếm tiền. Điều này dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của nội dung hướng tới các ngách thị trường nhỏ, phân khúc mà các công ty truyền hình lớn không thể khai thác.
YouTube đã tạo ra nhiều ngôi sao lớn như MrBeast, với 317 triệu người theo dõi. Tất nhiên, vẫn có những giới hạn, chẳng hạn như các chương trình truyền hình ngân sách lớn như "Game of Thrones" hoặc "Stranger Things" sẽ khó bị thay thế, do yêu cầu tài chính ban đầu mà YouTube chưa thể đáp ứng.
Chân dung Mira Murati, nhà khoa học AI hàng đầu thế giới với gương mặt khả ái, người vừa từ bỏ chức vụ Giám đốc công nghệ của OpenAI
Trong tuần qua biến động nhân sự ở OpenAI lên đến đỉnh điểm khi Mira Murati, Giám đốc công nghệ (CTO) và là người đứng sau thành công của ChatGPT, cho biết sẽ rời OpenAI sau hơn 6 năm gắn bó.
Thư tạm biệt của Mira Murati gửi đến các cộng sự và nhân viên ở OpenAI, được cô chia sẻ trên trang cá nhân, viết:
Xin chào tất cả mọi người,
Tôi có điều muốn chia sẻ với các bạn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là rời OpenAI.
Sáu năm rưỡi làm việc cùng đội ngũ OpenAI là một vinh dự to lớn. Mặc dù tôi sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đến nhiều cá nhân trong những ngày tới, tôi muốn bắt đầu bằng cách cảm ơn Sam và Greg vì đã tin tưởng giao cho tôi vai trò lãnh đạo tổ chức kỹ thuật và hỗ trợ tôi trong suốt những năm qua.
Không bao giờ có thời điểm lý tưởng để rời xa một nơi mà ta trân quý, nhưng khoảnh khắc này dường như đã đến đúng lúc. Các phát hành gần đây về công nghệ giọng nói và OpenAI o1 đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong tương tác và trí tuệ nhân tạo – những thành tựu được thực hiện nhờ vào sự sáng tạo và kỹ năng của các bạn.
Chúng ta không chỉ tạo ra những mô hình thông minh hơn, mà còn thay đổi căn bản cách các hệ thống AI học hỏi và suy luận qua các vấn đề phức tạp. Chúng ta đã đưa nghiên cứu về an toàn từ lĩnh vực lý thuyết vào ứng dụng thực tế, tạo ra các mô hình có độ tin cậy cao hơn, định hướng tốt hơn và dễ điều chỉnh hơn bao giờ hết. Công việc của chúng ta đã đưa nghiên cứu AI tiên tiến vào tầm tay, phát triển công nghệ trực quan và dễ tiếp cận, cho phép nó thích nghi và tiến hóa dựa trên đóng góp của mọi người. Thành công này là minh chứng cho tinh thần làm việc nhóm xuất sắc của chúng ta, và đó là nhờ sự tài năng, sự tận tâm và cam kết của các bạn, giúp OpenAI luôn đứng ở đỉnh cao của sự đổi mới trong AI.
Tôi rời đi vì tôi muốn dành thời gian và không gian để khám phá con đường của riêng mình. Hiện tại, ưu tiên chính của tôi là làm mọi thứ có thể để đảm bảo sự chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ, duy trì đà phát triển mà chúng ta đã xây dựng.
Tôi sẽ mãi mãi biết ơn cơ hội được làm việc và xây dựng cùng đội ngũ tuyệt vời này. Cùng nhau, chúng ta đã đẩy lùi các ranh giới của sự hiểu biết khoa học trong hành trình nâng cao sức khỏe con người. Dù tôi không còn trực tiếp làm việc với các bạn, tôi vẫn luôn ủng hộ mọi người.
Với lòng biết ơn sâu sắc vì những tình bạn đã hình thành, những thành tựu đã đạt được, và quan trọng nhất, những thử thách mà chúng ta đã vượt qua cùng nhau.
Mira
Sinh năm 1988 và là một người gốc Albania, Murati tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Máy tính tại Dartmouth College, Hoa Kỳ.
Cô từng làm việc tại Tesla trước khi gia nhập OpenAI vào năm 2018. Trong hơn 6 năm làm tại OpenAI, Murati chịu trách nhiệm phát triển chatbot ChatGPT cũng như công cụ tạo hình ảnh từ văn bản Dall-E. Cô được bổ nhiệm làm CTO từ tháng 5/2022 đến nay.
Mira Murati tin tưởng vào lợi ích và tiềm năng to lớn của AI. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc quản lý và kiểm soát sự phát triển AI, để đảm bảo rằng nó phục vụ tốt nhất cho lợi ích của con người.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Time vào tháng 2/2023, Mira Murati chia sẻ một vài sở thích cá nhân:
* Bài hát: Paranoid Android của Radiohead Bài hát có nhiều lớp và đề cập đến các chủ đề liên quan đến xã hội về công nghệ. Không phải là bài hát nâng cao tinh thần nhất, nhưng đẹp và gợi nhiều suy nghĩ.
* Sách: Duino Elegies, một tập thơ của Rainer Maria Rilke. Tôi mới nhận được cuốn sách này như một món quà và thấy chiều sâu và vẻ đẹp của những bài thơ rất truyền cảm hứng.
* Phim: 2001: A Space Odyssey tiếp tục khuấy động trí tưởng tượng của tôi bằng hình ảnh và âm nhạc, đặc biệt là trong cảnh quay ngoạn mục khi tàu con thoi cập bến cùng điệu valse Blue Danube Waltz của Johann Strauss, gợi lên sự chiêm nghiệm về trạng thái không trọng lượng của sự kiện này và sự tráng lệ của khoảnh khắc đó.
Bức ảnh mang tính biểu tượng dưới đây về các nhân sự cấp cao của OpenAI hiện chỉ còn một người làm việc tại công ty AI này.
