Donald Trump và lịch sử của bức ảnh Mugshot
Bức ảnh lan truyền khắp thế giới và được bình luận nhiều nhất cuối tuần này chắc chắn là tấm hình chân dung cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, được công bố bởi Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Fulton.
Cựu tổng thống 77 tuổi bị bắt và đến nhà tù thành phố Atlanta (bang Georgia) trình diện hôm thứ Năm (24/8) theo giờ Mỹ, vì cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử ở bang Georgia năm 2020. Cảnh sát chụp ảnh lưu hồ sơ Donald Trump với số hiệu tù nhân P01135809.
Người đàn ông trong tấm hình có mái tóc vàng quen thuộc, đôi lông mày góc cạnh và khuôn mặt giận dữ, ánh mắt hình viên đạn.
Trong nhiều tháng qua ông Trump là tâm điểm của ít nhất bốn cuộc điều tra hình sự mà ông luôn phủ nhận các lời buộc tội, trong đó có cáo buộc can thiệp kết quả bầu cử tại tiểu bang Georgia. Chuyện ông Trump đúng sai thế nào không bàn ở đây, đó là việc của nước Mỹ, nhưng nhân tấm hình đang nổi tiếng khắp thế giới kể trên, chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử của bức ảnh Mugshot – hình chân dung của một người do cảnh sát chụp khi bắt giữ người đó.
Hình chụp tội phạm gồm một ảnh chính diện và một ảnh nhìn nghiêng, kèm theo thông tin nhận dạng là phát minh của Alphonse Bertillon (1853 – 1914), một sĩ quan cảnh sát người Pháp, đồng thời là một nhà nghiên cứu sinh trắc học.
Ông là người đã áp dụng kỹ thuật nhân trắc học vào việc thực thi pháp luật để tạo ra một hệ thống nhận dạng dựa trên các phép đo vật lý. Việc chụp ảnh tội phạm bắt đầu vào những năm 1840 chỉ vài năm sau khi nhiếp ảnh được phát minh, nhưng phải đến năm 1888, Bertillon mới tiêu chuẩn hóa quy trình này. Theo đó, cùng với ảnh chụp trực diện và chụp nghiêng là các mô tả giúp nhà chức trách thuận tiện trong việc nhận diện tội phạm như chiều dài và chiều cao của đầu, màu tóc, màu mắt… Về sau các mô tả được thay thế bằng cách lấy dấu vân tay.
Những bức ảnh chụp tội phạm đó được gọi là Portrait parlé – chân dung biết nói. Khi cách thức chụp ảnh này được cảnh sát Mỹ học hỏi và áp dụng thì nó có tên gọi mới là Mugshot. Một cách gọi dân giã với chữ mug là một từ lóng trong tiếng Anh vừa có nghĩa là cái cốc, vừa có nghĩa là khuôn mặt, có lẽ do người ta hay vẽ lên mấy cái cốc những khuôn mặt để trang trí.
Hàng loạt bức ảnh Mugshot đã trở nên nổi tiếng và đi vào lịch sử, từ chân dung của các nhà cách mạng, chính trị gia, doanh nhân cho đến giới nghệ sĩ, vận động viên… Một trong số đó là Mugshot của Jane Fonda – nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar của Mỹ. Vào năm 1970, Jane Fonda bị bắt tội đá vào người một cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Cảnh sát khám xét và nghi ngờ trong túi bà có ma túy, nhưng xét nghiệm cho thấy đó chỉ là vitamin nên bà được trắng án.
Hình ảnh Jane Fonda tạo dáng trong bức ảnh Mugshot, với mái tóc đen cắt ngắn, tỉa ôm sát đầu, ánh mắt kiên định và giơ một nắm tay lên thách thức đã trở thành biểu tượng nổi loạn của nữ quyền và truyền cảm hứng cho một cuộc cách mạng sắc đẹp 53 năm trước, khi phụ nữ nước Mỹ đến tiệm tóc yêu cầu “cắt theo kiểu của Fonda”.
Bill Gates, một trong những người giàu nhất thế giới, cũng từng bị chụp Mugshot hồi nhỏ do vi phạm luật giao thông. Trong ảnh, cậu cười rất tươi và không có vẻ gì là sợ sệt.
Ảnh Mugshot chỉ nhằm mục đích ghi lại một vụ bắt giữ và không có nghĩa là một người đã bị kết án về bất kỳ loại tội phạm nào.
Trở lại với Mugshot của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi chụp hình tại nhà tù và đóng 200.000 USD tiền thế chân để tại ngoại, ông ra về và đăng ngay lên mạng xã hội bức hình cảnh sát vừa chụp như một thông điệp cho chiến dịch tranh cử.
Nhiều người thường không thích chân dung của mình do cảnh sát chụp, không chỉ vì nó liên hệ đến một “vết nhơ” mà còn vì đó thường là những tấm hình rất xấu, nhưng với ông Trump thì rất có thể đây là một bức ảnh ưng ý của ông. Trong cuộc sách “Nước Mỹ nhìn từ bên trong - Crippled America: How to Make America Great Again” mà cựu tổng thống Mỹ là tác giả, ông Trump từng chọn ảnh bìa là tấm chân dung như đang nóng giận của bản thân. Ông giải thích:
“Một số độc giả có thể đang tự hỏi tại sao bức hình chúng tôi dùng là ảnh bìa cuốn sách trông lại giận dữ và xấu xí đến thế. Tôi có vài tấm ảnh chụp rất đẹp với nụ cười rạng rỡ trên mặt. Trông tôi vui vẻ. Trông tôi mãn nguyện. Trông tôi giống một người rất tử tế. Gia đình tôi yêu những tấm ảnh đó và muốn tôi dùng một trong số chúng. Người thợ ảnh đã chụp rất tốt.
Nhưng tôi quyết rằng thế không phù hợp. Trong cuốn sách này chúng ta bàn về “nước Mỹ què quặt”. Thật không may, có rất ít điều dễ chịu trong sách. Nên tôi muốn môt bức ảnh chụp tôi không vui, một bức ảnh phản ánh được nỗi giận dữ và bất hạnh mà tôi cảm thấy, thay vì niềm vui sướng. Bởi ngay lúc này đây, chúng ta đang ở trong cảnh ngộ không vui sướng gì. Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh buộc chúng ta phải tiếp tục làm việc nhằm tái tạo một nước Mỹ hùng mạnh. Tất cả chúng ta. Đó là lý do tôi viết cuốn sách này”.
Đây là những gì ông Trump viết năm 2015 trong lời đầu cuốn sách của mình, và có vẻ như ông vừa có thêm một bức ảnh như vậy, do cảnh sát chụp. Lần này khó mà nói ông đang vui khi phải đối mặt với nhiều cáo buộc và ở trong một hoàn cảnh “buộc phải tiếp tục làm việc”. Phía trước ông không chỉ có các vụ án mà còn có một cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Donald John Trump Jr, con trai của ông Trump, đã ngay lập tức cho in hình Mugshot của bố mình lên áo phông và những chiếc cốc để bán trong một chiến dịch quyên góp cho Quỹ bảo vệ pháp lý.
Trong suốt cuộc đời mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những người được chụp hình nhiều nhất. Ai cũng biết ông nhưng ông vẫn bị chụp ảnh Mugshot và đây chắc chắn là Mugshot nổi tiếng nhất.
Hãy xem cựu Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục làm gì với Mugshot của mình và tấm hình này có sức nặng ra sao?
Tham khảo:
Donald Trump and the history of the mugshot
Chào các bạn, tôi là Thành. Tôi làm nghề báo và đây là bài viết tôi tổng hợp nhân Trend về Mugshot của ông Trump. Nếu các bạn muốn đọc thêm các bài viết mới của tôi thì đăng ký email ở đây nhé: