Công việc mơ ước trong ngành báo chí
Trong cái chớp mắt của khoảng thời gian hơn 10 năm, tôi đã chứng kiến những bạn đọc ngồi ở quán nước chè đầu ngõ trên tay tờ báo chăm chú, và bây giờ cũng chăm chú nhưng với chiếc điện thoại nho nhỏ.
Hồi sinh viên mơ mộng, tôi thường nhịn ăn sáng đổi lấy một tờ “mua và bán” để tìm việc làm thêm. Có lần đọc được mấy dòng rao “Công việc trong ngành báo chí. Chỗ làm mặt phố trung tâm. Thu nhập ổn định”, tôi vội đạp xe đến nộp hồ sơ, thì ra họ thuê người... bán báo sạp trên hè phố.
Tôi từ chối cơ hội có chỗ làm mặt phố trung tâm này, vì không thu xếp được thời gian. Ngày hai buổi thì mất một buổi đến lớp rồi, mà tôi vốn là người chăm học.
Học xong hết mơ mộng, tôi thường cố gắng cộng tác với tờ báo nào được cho là nhuận bút cao nhất. Những năm đầu thế kỷ, chắc chắn tờ cao nhất là Tuổi trẻ. Một bài phóng sự trên tờ báo này lúc bấy giờ được trả từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng. Bằng khoảng 3 chỉ vàng. Vâng, lúc bấy giờ giá vàng đâu đó 500 nghìn đồng cho mỗi chỉ.
Tất nhiên, để đăng được phóng sự trên Tuổi trẻ không dễ, vì sự đòi hỏi cao về chất lượng chuyên môn. Nhưng, cứ nghĩ đến 3 chỉ vàng là tôi lại hùng hục lao đi viết phóng sự.
Cách chăm sóc, đối xử với cộng tác viên của toà soạn cũng khiến tôi xúc động, qua những cuộc điện thoại trao đổi nhẹ nhàng, chỉ bảo cụ tỉ, bài được đăng thì có báo biếu gửi đến tận nơi và các dịp lễ Tết còn có thư cảm ơn thơm phức mùi giấy mới.
Cứ như vậy, tôi bỏ ngang công việc ổn định ở quê nhà để đi lần lần, cho đến khi trở thành phóng viên của báo Tuổi trẻ. Thật lòng mà nói, không phải chỉ đi theo tiếng gọi của nhuận bút. Khi người ta ở tuổi thanh xuân thì ai mà chẳng có lý tưởng. Một lần và mãi mãi!
Tuổi trẻ ở thời kỳ đỉnh cao hướng đến mốc phát hành một triệu bản mỗi ngày. Nhưng rồi những lớp sóng khó khăn đã ập đến thật nhanh. Lúc tôi vừa đến làm việc ở đây thì xảy ra sự kiện PMU 18. Anh Lê Hoàng, Tổng biên tập, phải rời vị trí thuyền trưởng.Lúc này, năm 2008, còn có một lớp sóng khó khăn đang bắt đầu cuộn lên mà không phải ai cũng nhìn thấy. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và mạng xã hội, chỉ sau ít năm.
Khi không còn là Tổng biên tập Tuổi trẻ, anh Lê Hoàng vẫn trăn trở, dõi theo sự phát triển của cơ quan cũ và phóng tầm mắt ra cả làng báo. Anh đã viết một chuyên đề về báo điện tử, cho rằng đây là xu thế không thể cưỡng lại và đưa ra những dự báo có vẻ như khá trùng hợp với những chuyển động gần đây.
Mấy ngày qua, được các đồng nghiệp chia sẻ, tôi đọc báo cáo thường niên của The New York Times và nhớ đến bản chuyên đề của người Tổng biên tập năm xưa.
Nếu nói về một tờ báo in sống sót thành công trong thời đại online thì The New York Times là câu chuyện điển hình. Họ có bước đi vững chắc vào kỷ nguyên kỹ thuật số, và viết tiếp những chương thành công.
Không, có lẽ phải dùng từ “viết lại” thì đúng hơn là “viết tiếp”. Theo các chuyên gia, bây giờ là thời của sự viết lại vĩ đại (Great Rewrite). Cách người ta tương tác, mua bán, sản xuất, di chuyển và dĩ nhiên cả xem báo đều đang được viết lại, do sự phát triển nhanh của công nghệ.
Tin tôi đi, cứ sau 2 năm công nghệ lại tốt gấp đôi. Trong cái chớp mắt của khoảng thời gian hơn 10 năm, tôi đã chứng kiến những bạn đọc ngồi ở quán nước chè đầu ngõ trên tay tờ báo chăm chú, và bây giờ cũng chăm chú nhưng với chiếc điện thoại nho nhỏ, xinh xinh. Nhiều thứ đã thay đổi chóng mặt. Chỉ chậm một chút thôi bạn tụt lại, và giật mình “Công việc trong ngành báo chí. Chỗ làm mặt phố trung tâm. Thu nhập ổn định” đã hết cửa.
Internet dọn mất sạp báo đó rồi!
Võ Văn Thành (bài viết tháng 2/2017)