25 năm Google
Tình cờ, mốc kỷ niệm 25 năm của Google cũng là quãng thời gian mà tôi bắt đầu biết đến Internet.
Ngày 27/9/2023 là ngày kỷ niệm 25 năm Google.
Tôi không để ý đến chuyện này nhưng tự nhiên nghĩ 25 năm là đâu đó bằng quãng thời gian mình bắt đầu biết đến Internet.
Những năm 1997-1998, sau khi Sergey Brin và Larry Page gặp nhau trong chương trình khoa học máy tính của Đại học Stanford, và bắt đầu nghiên cứu dự án "BackRub” - tiền thân của cỗ máy tìm kiếm Google, thì ở Hà Nội lũ sinh viên báo chí chúng tôi vẫn gửi bài cho các tòa soạn bằng bản thảo viết tay. Máy tính và email còn chưa có cả trong giấc mơ, cho dù ở ngoài kia những email đầu tiên đã được gửi đi từ đầu thập niên 1970. Chúng tôi cặm cụi viết bài, rồi đạp xe hoặc đi xe bus đến các tòa soạn rụt rè gửi và hồi hộp, khắc khoải chờ từng số báo xem bài mình được đăng hay không.
Tiền phong hồi đó là một trong những địa chỉ cộng tác yêu thích của sinh viên báo chí, vì thời điểm này báo mới mở mục “Chuyện trường mình”, đăng các mẩu chuyện đời sống sinh viên… Và quan trọng vì Tiền phong trả nhuận bút tốt, đúng định kỳ. Một bài ngắn trên dưới 1.000 chữ đăng báo cũng được hai ba trăm nghìn, bằng nửa “lương tháng” mẹ gửi cho. Bài cộng tác thường để ở cửa văn thư, cộng tác một thời gian quen anh, chị phụ trách chuyên mục thì có thể xin ông bảo vệ cho vào gửi trực tiếp. Tòa soạn Tiền phong hồi xưa là tòa biệt thự cũ ở 15 Hồ Xuân Hương, có cây đại to trước cửa và hôm nào may mắn đứng ở tầng hai nhìn xuống sẽ thấy chị Vo Hong Thu ngực đầy đang bước qua vội vã ở tầng một.
Chuyên nghiệp hơn một chút, tôi chuyển từ gửi bài bằng bản thảo viết tay lên bản thảo đánh máy. Hồi đó đã có dịch vụ đánh máy vi tính, nhưng đánh máy chữ (cơ khí) vẫn tồn tại vì giá cạnh tranh. Ngã tư gần cổng trường báo chí có một bác gái làm nghề đánh máy chữ, cửa hàng bác ấy cứ rào rào cả ngày vì nhiều “đơn hàng”. Một trang A4 đánh máy hình như vài nghìn đồng, nhưng không phải có ngay sau một, hai giờ mà phải đợi nửa ngày đến cả ngày. Cầm bản thảo đánh máy thơm mùi mực, nét chữ màu xanh đen, hơi nghiêng, cảm xúc lâng lâng khác hẳn nhìn vào bản thảo viết tay chữ rối như gà bới của tôi.
Trong nhiều năm, tất cả các công đoạn trên không hề có Internet. Gửi bài và nhận nhuận bút đều trực tiếp ở tòa soạn, email hay Internet banking đang ở phía chân trời xa xa. Tôi không còn nhớ lần đầu tiên tiếp xúc với Internet như thế nào, nhưng đến nay vẫn nhớ mãi cảm giác phấn khích mỗi khi nghe tiếng modem rít lên từng hồi để kết nối mạng, kết nối với thế giới. Tốc độ Internet hồi đó so với nay là rùa so với thỏ, nhưng được chờ đợi, được dùng máy tính và được vào mạng là cả bầu trời hạnh phúc.
Khỏi phải nói 25 năm các big tech và Internet đã thay đổi thế giới như thế nào, trong đó có cuộc sống và công việc của tôi. Thủa ban đầu là Yahoo, rồi Google, Gmail, Youtube, Facebook, từ báo in chuyển qua báo điện tử.v.v... Sự phổ biến của máy tính và Internet đã khiến cửa hàng đánh máy chữ gần trường báo chí giờ chỉ còn trong ký ức.
Tháng 9/1997 tôi vào đại học, bắt đầu làm quen với mùa thu Hà Nội. Đây là năm xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á. Năm có sự kiện nông dân Thái Bình. Và cũng là năm Chính phủ ban hành quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập và sử dụng mạng Internet ở Việt Nam. Ngày 19/11/1997 Việt Nam chính thức hòa mạng Internet quốc tế và từ ngày 1/12/1997 chính thức cung cấp dịch vụ Internet cho các thuê bao có yêu cầu. VDC là nhà cung cấp cổng truy nhập Internet duy nhất (IAP) và là 1 trong 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên của Việt Nam.
Cũng vào tháng 9/1997, Page và Brin đặt lại tên cho dự án BackRub. Họ muốn có một cái tên phù hợp với với việc kinh doanh. Một người bạn cùng phòng ký túc gợi ý với Page gọi nó là “googol”. Đây là một thuật ngữ trong toán học, chỉ con số có số 1 đứng trước 100 số 0. Đôi khi từ “googgolplex” cũng được sử dụng để chỉ một con số lớn khủng khiếp. “Cái tên phản ánh phạm vi của điều chúng tôi đang thực hiện”, vài năm sau Brin giải thích.
Page đánh vần nhầm từ được người bạn gợi ý, điều này hóa ra lại cũng ổn vì địa chỉ Internet cho từ đánh vần đã được sử dụng rồi. Còn tên “Google” thì chưa ai dùng. “Nó cũng dễ gõ và dễ nhớ”, Page nói. Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Lúc đó có lẽ cả Page và Brin không biết rằng đây là cái tên sẽ thay đổi bối cảnh kỹ thuật số của thế giới mãi mãi.
Tôi là khách hàng của Google, mỗi năm trả phí 450.000 đồng để duy trí gói Google One, gần đây còn dùng thử Youtube premium. Các dịch vụ của gã khổng lồ công nghệ này đều ổn. Trên giá sách nhà tôi có ba cuốn của Google và về Google: “Sống sao trong thời đại số”, “Quy tắc của Google” và “Nội soi Google”.
Tất nhiên big tech nào cũng có vấn đề về độc quyền, về bản quyền, về sự riêng tư của người dùng… Nhiều năm trước, một chiến dịch fake news liên quan đến tòa soạn nơi tôi làm việc sử dụng nền tảng của Google, tôi cùng nhiều anh em không may trở thành nạn nhân. Nhưng khi nhìn lại hóa ra đó là chuyện nhỏ, vớ vẩn, những gì Internet và Google mang lại cho chúng tôi lớn lao hơn nhiều.
25 năm từ quê ra tỉnh, mãi gần đây tôi mới được đi đường cao tốc nối Hà Nội - Nghệ An. Nhưng đường cao tốc Internet tôi đã mon men nhiều năm qua. Giữ cho nó thực sự là cao tốc, nhanh và thông thoáng, thì dù có phải trả phí cũng vui lòng.
Võ Văn Thành